Huyện Điện Biên phòng, chống dịch lở mồm long móng

Thứ Hai, 31/12/2018, 08:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian gần đây, thời tiết chuyển mùa và có diễn biến phức tạp, bất thường, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra trên đàn lợn tại xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Bệnh lở mồm long móng gia súc là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở các loài động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê... Bệnh do vi rút gây ra nên có mức độ lây lan rất nhanh, mạnh, gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc theo quy định, gây thiệt hại kinh tế và kinh phí phòng chống dịch bệnh.

d
Trâu, bò bị loét kẽ móng chân là dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng. (Ảnh: KT)

Theo ông Trần Đình Tửu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Điện Biên, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh LMLM trên đàn lợn của 2 hộ gia đình thuộc xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) với khoảng từ 30 - 40 con mắc. Tuy nhiên, đã được lực lượng thú y và chính quyền địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp khoanh vùng, khống chế, dập dịch ngay khi ở diện hẹp.

Để phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng, Trạm Thú y huyện đã phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên vệ sinh, quét dọn sạch sẽ khu vực chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh; thông tin tuyên truyền về đặc điểm, dấu hiệu nhận biết, tính chất nguy hiểm, lây lan của dịch bệnh lở mồm long móng và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân biết, thực hiện; khuyến cáo người dân không bán chạy gia súc...
      
Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có 25.938 con trâu, 15.274 con bò và trên 83.800 con lợn. Trong năm 2018, huyện Điện Biên đã tổ chức tiêm vắc xin lở mồm long móng cho gia súc theo 2 đợt đại trà/năm, trong đó  đợt 1 tiêm 3.150 liều và đợt 2 tiêm trên 30.100 liều vắc xin lở mồm long móng; tổ chức phun 5.260 lít hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường tại 445 thôn, bản (đạt 100% kế hoạch).

Thời gian tới, khí hậu chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật tăng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; thêm vào đó chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ cao… vì vậy, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc có thể phát sinh, rất cần giám sát, phát hiện sớm để khoanh vùng, khống chế, dập dịch nhanh, gọn, hiệu quả. UBND huyện Điện Biên yêu cầu Trạm thú Y huyện tăng cường công tác chỉ đạo thú y cấp xã kiểm tra, theo dõi, giám sát dịch đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh; cương quyết thực hiện tiêu hủy ngay khi mới phát hiện ổ dịch ở quy mô nhỏ, hẹp, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã tổ chức, triển khai công tác tiêm phòng vắc xin, phun tiêu độc khử trùng môi trường và triển khai công tác giám sát dịch bệnh sau tiêm phòng./.

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN

.