Nếu đất theo người cùng tái định cư

Thứ Ba, 27/08/2013, 17:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hầu hết các hộ gia đình tại 3 khu tái định cư trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã và đang có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói vì thiếu, hoặc chưa có đất sản xuất. Từ thực tế của các khu tái định cư ở Tủa Chùa, một lần nữa làm sáng tỏ thêm chân lý: Đất sản xuất là tư liệu, là điều kiện quan trọng nhất và không thể thiếu đối với người nông dân.

“Nếu như mà đất nơi ở cũ theo được người chúng tôi lên đây cùng tái định cư thì tốt biết mấy! Bây giờ đất ruộng trồng lúa tốt quanh năm không phải bón phân của cả bản Pắc Na cũ chúng tôi đã chìm dưới lòng hồ Sông Đà rồi, tiếc lắm chứ” – Đó là lời tâm sự của lão nông Điềm Văn Dứa, ở điểm tái định cư Thủy điện Sơn La, thôn Tà Huổi Tráng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa. Nhắc đến thôn Pắc Na cũ, gương mặt và giọng nói ông Dứa chùng hẳn xuống.

Chúng tôi đến Tủa Thàng trong một ngày oi ả và nắng mưa thất thường của tháng 8. Cũng như hơn 70 hộ gia đình khác của điểm tái định cư này, gia đình ông Điềm Văn Dứa từ thôn Pắc Na cũ, một cộng đồng người Thái sinh sống lâu đời ven sông Đà, chuyển lên nơi ở mới từ đầu năm 2007 để nhường lại đất đai, ruộng vườn cho lòng hồ Thủy điện Sơn La. Trong ngôi nhà sàn vững chãi và rộng rãi, ông Dứa phân trần với chúng tôi rằng: gia đình ông đã bắt đầu thiếu ăn và đó là tình cảnh chung của Tà Huổi Tráng. Theo lời ông Dứa thì ở Pắc Na cũ dân có đủ ruộng để làm 2 vụ, năng suất lúa chẳng kém vùng lòng chảo Mường Thanh là mấy, hơn nữa nơi ở cũ lúa chiêm năng suất cao lại ngắn ngày hơn vùng khác. Bản cũ nằm sát mép sông Đà nên khí hậu nóng, ẩm luôn có biên độ nhiệt cao, do vậy rất phù hợp cho cây lúa, đặc biệt là lúa vụ chiêm phát triển mạnh. Ngoài ruộng 2 vụ, bà con còn dư thừa đất trong các thung lũng hẹp để vừa chăn nuôi vừa trồng ngô lai không phải bón phân mà ngô vẫn lên tốt, cho bắp to và nhiều hạt. Quê cũ không phải lo đến lương thực, mà thực phẩm cũng dồi dào từ đào ao nuôi cá và đánh bắt trên sông Đà.

v
Thôn tái định cư Tà Huổi Tráng với những mái nhà khang trang lấp ló trong những nương ngô, ruộng lúa song người dân nơi đây lại luôn thường trực nỗi lo thiếu đói.


Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, 75 hộ nông dân trong thôn này đều sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, 5 năm đầu chuyển đến nơi ở mới nhà nào cũng được Nhà nước hỗ trợ gạo, quy ra tiền mặt theo nhân khẩu nên chưa phải lo đến cái ăn; đồng thời sử dụng tiền đền bù, hỗ trợ để làm lại nhà cửa cho to đẹp hơn nơi ở cũ. Nhưng đến nay, sau khi nhà nào cũng đã có nhà ở khang trang, bề thế rồi thì cũng đã đến lúc cạn tiền đền bù, hết gạo hỗ trợ từ Nhà nước. Trong khi đó đất nương cẵn cỗi, trồng ngô nhỏ bắp lại ít hạt; đất trồng lúa nước thì quá ít và xấu, bởi vốn trước đây là bãi cỏ dại, nay mới cho nước vào cải tạo làm ruộng, nhưng chỉ trồng được có 1 vụ mùa và năm nay là vụ thứ 2. Năm ngoái năng suất lúa chỉ đạt trên 20 tạ/ha, năm nay có vẻ lúa tốt hơn năm ngoái, dân hy vọng đạt được khoảng 25 tạ/ha. Nơi ở mới này được quy hoạch vào một địa điểm tương đối bằng phẳng. Tà Huổi Tráng cách trung tâm xã Tủa Thàng khoảng 6 km và cách trung tâm huyện lị Tủa Chùa 30 km. Nếu như trước đây chưa có đường ô tô thì nay Tà Huổi Tráng có đường nhựa, hoặc được rải cấp phối phẳng lì, đi lại rất dễ dàng, thuận tiện cả 4 mùa. Tà Huổi Tráng nằm ngay ngã ba đường ô tô, từ đây có thể đi xuyên qua các xã phía Nam như: Mường Đun, Xá Nhè, Mường Báng; hoặc hướng sang các xã phía Bắc như: Huổi Só, Tả Phình, Lao Xả Phình và Sín Chải. Cũng từ đây, ô tô có thể đi sang các xã của huyện Tuần Giáo mà không cần ra quốc lộ 6. Không những có đường đi lại thuận tiện, thông thương, thôn mới Tà Huổi Tráng còn được đầu tư hệ thống điện lưới Quốc gia; trạm y tế riêng và cụm trường học từ bậc mẫu giáo cho đến trung học cơ sở; các công trình nước sạch, thủy lợi nhỏ để khai hoang, cải tạo đất làm lúa nước. Nhìn chung, kết cấu hạ tầng của thôn tái định cư mới này được đầu tư đồng bộ và kiên cố trị giá hàng chục tỷ đồng, đó là chưa kể đến tiền đền bù, hỗ trợ về đất ở, nhà ở và hỗ trợ gạo cho người dân trong mấy năm qua. Mặc dù có nhà cửa chắc chắn, các công trình phúc lợi, kết cấu hạ tầng đồng bộ và tốt hơn rất nhiều lần nơi ở cũ. Tuy nhiên người dân lại không khỏi lo lắng khi đã hết chính sách hỗ trợ gạo ăn hàng tháng; khi mà mọi khoản tiền đền bù đã cạn do chi phí làm nhà và các chi phí khác để thích nghi với nơi ở mới; trong khi đó đất ruộng thì vừa ít lại vừa đang trong quá trình cải tạo nên năng suất lúa rất thấp, hơn nữa do chưa đủ nguồn nước nên mới chỉ làm được 1 vụ mùa năm thứ 2. Đến nơi ở mới, các hộ dân Tà Huổi Tráng cũng đã rất nỗ lực cùng chính quyền, các cấp, các ngành có trách nhiệm khắc phục những khó khăn ban đầu. Dù đất đồi nương cằn cỗi nhưng người dân đã tận dụng hết mọi nơi có thể để trồng ngô, đậu tương. Hầu hết nhà nào cũng chăn nuôi thêm trâu, bò, dê, lợn và các loại gia cầm. Mặc dù đã rất cố gắng, tuy nhiên, thu nhập về lương thực của bà con ở đây chưa bằng 1/10 nơi ở cũ. Về chăn nuôi cũng rất khó khăn vì đất vườn được chia nhỏ hẹp, sau khi dựng nhà rồi thì diện tích còn lại chỉ đủ làm các công trình phụ, không thể có thêm ao cá hay trồng rau; diện tích chăn thả trâu bò cũng không thể bằng nơi ở cũ. Hiện tại cả thôn với 75 hộ gia đình nhưng chỉ có 25 ha ruộng 1 vụ và hơn 15 ha nương. Tính bình quân 1 gia đình có từ 5 đến 7 khẩu, nhưng mỗi hộ chỉ có hơn 0,5 ha cả ruộng lẫn nương làm 1 vụ, năng suất lại quá thấp, bởi vậy nên rất khó để họ sản xuất đủ lương thực ăn trong 3 tháng, chứ chưa nói đến cả năm. Để hỗ trợ dân Tà Huổi Tráng có thêm điều kiện phát triển sản xuất, huyện Tủa Chùa cũng đã có các phương án, kế hoạch để giúp dân tái định cư ổn định sản xuất, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, huyện cũng chỉ mới hỗ trợ cho dân bản được 600 con gà giống và có 20 hộ được hỗ tiền đào ao nuôi cá. Vì Tủa Chùa là huyện nghèo nên nguồn ngân sách chủ yếu chờ được trên cấp, do đó chưa thể chủ động hỗ trợ các hộ dân tái định cư của Tà Huổi Tráng nói riêng và hàng trăm hộ dân tái định cư trong toàn huyện nói chung. Cho đến thời điểm này, nếu đề nghị Nhà nước hỗ trợ gạo ăn cho dân Tà Huổi Tráng thêm 1 năm nữa không được đáp ứng, thì có đến 90% số hộ sẽ thiếu ăn từ 3 đến 7 tháng trong năm. Theo số liệu năm 2012, thôn Tà Huổi Tráng có gần 50% số hộ thuộc diện nghèo. Còn đến nay, khi mọi khoản hỗ trợ tái định cự đã hết và với thực trạng điều kiện về đất sản xuất hiện tại thì số hộ rơi vào cảnh thiếu đói sẽ tăng thêm.

b
Nguyên nhân chính khiến đời sống của người dân tái định cư ở Tủa Chùa là bởi thiếu đất sản xuất, đất đai bạc màu khiến năng suất cây trồng đạt thấp.


Thực hiện Chủ trương tái định cư nhường đất cho Thủy điện Sơn La, huyện Tủa Chùa có gần 390 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Thái, thuộc 2 xã là Tủa Thàng và Huổi Só phải di chuyển đến nơi ở mới. Trong đó hầu hết các hộ gia đình phải di chuyển đến 3 khu, với 5 điểm tái định cư mới được quy hoạch sẵn. Hiện nay, cuộc sống của người dân tái định cư ở Tủa Chùa đều rơi vào tình cảnh thiếu đất sản xuất, do đó dân tái định cư đứng trước nguy cơ nghèo và đói, khi mà các khoản hỗ trợ của Nhà nước đã hết, trong khi đó đất sản xuất chưa có hoặc đã có nhưng quá ít nên dân chưa thể sản xuất để tự ổn định cuộc sống. Điển hình như điểm tái định cư Huổi Lực tại xã Mường Báng, tại đây theo quy hoạch thì dân chuyển từ xã Tủa Thàng đến tái định cư sẽ có ruộng để sản xuất như nơi ở cũ. Tuy nhiên cho đến nay, các hạng mục thủy lợi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chưa đưa được nước về cho dân làm ruộng theo như các đồ án khoa học thiết kế từ đầu. Bởi thế nên đến nay, khi tiền đền bù, gạo hỗ trợ đã hết thì có đến 70% dân ở khu tái định cư Huổi Lực rơi vào nghèo đói vì không có ruộng để làm. Cũng như dân tái định cư ở Huổi Lực hay ở Tà Huổi Tráng, người dân ở điểm tái định cư Tà Xi Láng và dân ở các điểm tái định cư thuộc khu tái định cư Huổi Lóng, xã Huổi Xó cũng có tình cảnh như 2 điểm tái định cư nói trên.

Tủa Chùa có tổng số gần 390 hộ tái định cư tại 5 điểm được chọn với các đồ án quy hoạch theo phương châm: Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Với tinh thần đó, các điểm tái định cư có điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế… được đầu tư đồng bộ và khang trang. Đồng thời đền bù thỏa đáng để dân có nhà ở đảm bảo chắc chắn hơn nhà cũ. Tuy nhiên, tại các điểm tái định cư, cái mà dân cần nhất, quan trọng nhất với người dân lại không thể bằng nơi ở cũ, thậm chí với hiện tại thì chưa bẳng 1/10 nơi ở cũ, đó là đất và điều kiện sản xuất khác. Nhiều người nói, dân tái định cư ở Tủa Chùa kêu ca, thiếu đói là do ỷ lại, lười làm. Đó là một nhìn nhận chưa đúng đắn. Cái họ cần là đất sản xuất thì không có, hoặc có nhưng quá ít và quá cằn cỗi so với nơi ở cũ mà dân đã phải nhường lại vì lợi ích chung. Lỗi thiếu đất sản xuất cho nhân dân tái định cư thuộc các cấp, các ngành có trách nhiệm, dân hoàn toàn không có lỗi. Họ đã chịu thiệt thòi, thậm chí là hy sinh nhiều lợi ích đã được hun đúc, được dựng xây từ nhiều đời nay vì lợi ích chung của quốc gia, đó là những lợi ích, những giá trị văn hóa phi vật thể không thể đong đếm, định hình, định lượng mà nay đã nằm dưới lòng hồ sông Đà!

Trong số 5 điểm tái định cư ở Tủa Chùa, chỉ có 1 điểm tái định cư, mặc dù dân tái định cư đến nơi này muộn nhất, nhưng cuộc sống hiện tại khác hoàn toàn so với 4 điểm tái định cư còn lại ở Tủa Chùa. Đó là điểm tái định cư Huổi Trẳng. Huổi Trẳng có 70 hộ nhưng chỉ còn vài hộ nghèo, nhiều hộ có kinh tế rất khá giả, mặc dù cũng là dân tái định cư. Không nghèo đói, túng thiếu và vất vả như các điểm tái định cư khác là vì: Khi họ đến đây tái định cư thì quan trọng nhất là có đất ruộng ngay để cấy lúa 2 vụ, mặc dù diện tích cấy lúa có giảm đi đôi chút, nhưng không ảnh hưởng lớn đến thu nhập như vốn có. Điều quan trọng thứ 2 không kém phần quyết định đến tâm lý tích cực về khả năng thích nghi với nơi ở mới, khả năng lao động và mức thu nhập của đồng bào đó là: Nơi ở mới có đặc điểm như nơi ở cũ. Là có ruộng nước và quan trọng là gần sông Đà. Câu thành ngữ: “nhất cận thị, nhị cận giang”, nghĩa là nhất gần đô thị, hai là gần sông nước, mà người Thái lại: “ăn theo nước” . Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa người Thái dựng bản lập thôn đều chọn gần sông suối – sông suối là nơi họ dựa vào đó để gắn bó,  vì sông nước cho họ nguồn lợi thủy sản tự nhiên; cho họ nuôi thủy cầm; cho họ làm guồng múc nước lên cao làm ruộng; cho mọi người già trẻ, gái trai thả mình vào dòng nước mát sau mỗi chiều nắng nóng và mệt nhọc. Sống gắn với sông nước là truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành phong tục, tập quán, mang tính lịch sử và văn hóa của đồng bào Thái. Sông  nước đã đi vào thơ ca, nhạc họa và cả những trường ca dân gian bất hủ của người Thái. Do đó, khi người Thái được tái định cư đúng vào nơi có đặc điểm đúng với mong muốn và tập quán của họ thì ngay lập tức được thích nghi, cuộc sống sớm bắt nhịp, ổn định và họ khai thác được tiềm năng nơi sinh sống. Bởi vậy nên Huổi Trẳng không đói, không nghèo như người dân các điểm tái định cư khác ở Tủa Chùa. Thành ngữ: “Người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo mây mù và người Khơ Mú ăn theo lửa” vẫn còn nguyên giá trị đối với vấn đề an dân và mỗi khi muốn dân an cư lạc nghiệp.

                                                          

Sông Thao – Đỗ Bích

.