Nếp sống văn minh nơi vùng cao Tủa Chùa

Thứ Bảy, 14/11/2015, 10:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, huyện Tủa Chùa đã và đang thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua đó, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn có vai trò quan trọng, làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
 
Lao Xả Phình hiện có 6 thôn, bản; 379 hộ, 2.231 khẩu là đồng bào Mông và Hoa sinh sống. Với đặc thù xã vùng cao, xa trung tâm huyện; theo đánh giá của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, những năm trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục khiến việc bình xét, công nhận thôn, bản văn hóa luôn gặp vướng mắc. Hầu hết các đám cưới được tổ chức linh đình, tốn kém, thậm chí còn tổ chức nhiều ngày gây mất trật tự, ảnh hưởng đến khu dân cư.

1
Người Hoa ở thôn 2, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa thêu hài góp phần phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc.

 

Một số đám tang người dân còn để lâu ngày, làm ô nhiễm môi trường… Song khoảng 3 năm trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền xã Lao Xả Phình đã quyết liệt, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định trong việc thực hiện nếp sống văn minh ở cộng đồng. Chính vì thế, đời sống văn hóa cũng như tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Việc cưới, việc tang được tổ chức gọn gàng, đơn giản, không phô trương gây lãng phí, phiền toái cho cộng đồng; lễ hội được tổ chức đúng với phong tục tập quán vốn có và từng bước loại bỏ dần các hủ tục trong đời sống cộng đồng dân cư. Tiêu biểu như: Thôn 2 (nơi có đồng bào Hoa và Mông sinh sống); bản Cheo Chử Phình (100% người Mông)…

Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin, hiện nay, tỷ lệ cặp vợ chồng của huyện Tủa Chùa thực hiện đúng Luật Hôn nhân – Gia đình đạt 82%. Việc tổ chức các đám hiếu trên địa bàn đã đảm bảo nếp sống văn minh, tích cực. Đến nay, hầu hết các thôn, bản đều được tổ chức gọn nhẹ, chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với phong trục tập quán và truyền thống văn hóa của dân tộc. Người chết được gia đình kịp thời đến chính quyền khai tử theo đúng quy định; không để trong nhà quá 48 giờ; đặc biệt những người chết do bị bệnh lâu ngày không để trong nhà quá 24 giờ. Ngoài ra, tình trạng mời thầy mo, thầy cúng về cúng kéo dài, yểm bùa, trừ tà, bắt ma hoặc các hình thức nghi lễ có tính chất mê tín gây lãng phí đã được hạn chế.

Với các lễ hội, việc tổ chức luôn đảm bảo an ninh trật tự. Thông qua lễ hội, các địa phương thường lồng ghép tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua để nhân dân cùng tham gia ký kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Phòng Văn hóa – Thông tin Tủa Chùa đã lên kế hoạch, tuyên truyền phổ biến pháp luật, biểu diễn văn nghệ, treo băng, cờ, khẩu hiệu, pa nô, áp phích ở khu vực trung tâm huyện, trung tâm các xã, thị trấn; hướng dẫn các xã xây dựng nội dung quy ước, hương ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Nhờ hoạt động thiết thực của cán bộ văn hóa - thông tin, cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, của Huyện ủy, UBND huyện, công tác thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực; các giá trị truyền thống của dân tộc được đề cao; những nét mới trong giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Hiện nay, toàn huyện có 4 lễ hội đang được duy trì (Lễ hội Gầu Tào, lễ hội Tù Su, lễ hội Đang Khùa và lễ hội Tự Cải).

1
Thực hiện nếp sống văn minh, nhân dân xã Sính Phình luôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh sạch đường làng, ngõ xóm.

 

Thực hiện nếp sống văn minh ở Tủa Chùa tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, song do phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa nên còn những hạn chế nhất định, như: Việc khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống, nhất là tổ chức các lễ hội còn mang tính tự phát; chưa phát huy nét độc đáo, bản sắc riêng và giá trị của từng dân tộc. Ngoài ra, công tác bảo tồn các di sản văn hóa đã có, song chưa được triển khai theo đúng quy trình khoa học; còn mang nặng tính hình thức, chạy theo chỉ tiêu…

Khắc phục khó khăn, thời gian tới, để duy trì những kết quả đạt được trong thực hiện nếp sống văn minh, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện sẽ tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên phương tiện thông tin đại chúng; tích cực xây dựng nội dung chương trình đưa văn hóa thông tin về cơ sở đến từng cụm dân cư trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, Phòng cũng lên kế hoạch, phương án cụ thể để bảo tồn, duy trì các lễ hội dân gian, truyền thống lịch sử, văn hóa phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

 

Văn Quyết
 

.