Văn học nghệ thuật, nguồn mạch dung dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức con người

Chủ Nhật, 01/11/2015, 16:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Văn học nghệ thuật có vị trí, vai trò rất quan trọng của đối với quá trình hình thành, dung dưỡng và bồi đắp phẩm chất, đạo đức và nhân cách của con người. Bởi văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách đạo đức cho các thế hệ công dân.

Thời nào cũng vậy, văn học nghệ thuật luôn mang thiên chức “Văn dĩ tải đạo”, “Văn dĩ minh đạo”. Thiên chức này vừa là nhiệm vụ tự thân, vừa là sứ mệnh cao quý của văn học nghệ thuật. Chính vì thế, văn học nghệ thuật luôn đòi hỏi văn nghệ sĩ (thành tố quan trọng, cốt lõi và quyết định nhất), không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức, nhân cách của đạo làm người mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức rung động, cảm hóa mạnh mẽ, cổ vũ con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp.

1
Đồng chí Nguyễn Vân Chương, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, trao giải nhất cho các các giả đoạt giải VHNT Điện Biên lần II (2009-2014)

 

Nhận thức sâu sắc điều này, nên ngay từ những năm đầu thành lập nước Đảng ta đã có Đề cương văn hóa. Đặc biệt khi công cuộc đổi mới tiến hành được gần một năm, vào tháng 11/1987, Bộ Chính trị Khóa VI, trong Nghị quyết 05-NQ/TW đã khẳng định: “Văn hóa và văn học, nghệ thuật giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, có chức năng bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người”. Tiếp đó, đến năm 1998, trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, Đảng ta lại nêu rõ hơn nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”. Đến năm 2008, trong Nghị quyết chuyên đề: Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị khóa X đã xác định mục tiêu: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân”.

Cùng với dòng chảy theo định hướng của Đảng, văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên sau 17 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có bước phát triển mới với những thành tựu rất đáng trân trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn học nghệ thuật, từ sáng tác, biểu diễn, quảng bá đến tham gia vào việc  giáo dục thẩm mỹ...phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đạo đức, nhân cách các thế hệ người dân Điện Biên từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn và cảt miền biên giới xa sôi, hẻo lánh.

Đặc biệt, trước thực trạng hiện nay, tình hình và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trrên địa bàn tỉnh vẫn đang còn tồn tại, thì văn học nghệ thuật của tỉnh Điện Biên lại càng nhận rõ trách nhiệm của mình là “người lính xung kích” trên mặt trận tư tưởng, dưới sự l;ãnh đạo của Đảng, tham gia, trực diện đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tệ nạn và tội phạm xã hội đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong lớp trẻ hiện nay, để thực hiện cho được mục tiêu chung của Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đó là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và mục tiêu cụ thể quan trọng hàng đầu là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.

Nêu những tư tưởng của cổ nhân và quan điểm của Đảng để thấy văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, có ưu thế đặc thù trong sự nghiệp xây dựng con người phát triển toàn diện mà trực tiếp là bồi đắp tâm hồn, tình cảm, phẩm chất, nhân cách các thế hệ con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đem lại cuộc sống thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Để làm tròn trọng trách của văn học nghệ thuật với quá trình hình thành và hoàn thiện đạo đức, lối sống, nhân cách cao đẹp cho các thế hệ người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước và của tỉnh, trước hết, đội ngũ văn nghệ sĩ – những chiến sĩ xung kính trên mặt trận văn hóa văn nghệ của tỉnh Điện Biên luôn xác định rõ yêu cầu là phải phấn đấu vươn lên, thật sự trở thành những nhà tư tưởng, nhà đạo đức, bám sát thực tiễn sinh động, có mặt ở mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tìm được những cảm xúc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người.

Các tác phẩm văn học nghệ thuật khi được lưu hành, quảng bá phải phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy được tinh thần và truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng để góp phần tham gia và đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Đồng thời, mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật khi ra đời cần thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời kỳ phát triển mới của dân tộc, của thời đại, của mảnh đất biên cương, cực Tây Bắc Tổ quốc; cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái giả dối, cái thấp hèn, cái ác độc đang tồn tại, hiện hữu trong đời sống xã hội.

Xây dựng đạo đức, lối sống, nhân cách cho các thế hệ con người là một quá trình liên tục, việc xây dựng nhân cách cho giai đoạn đầu đời của mỗi thế hệ là vô cùng hệ trọng. Từng giai đoạn của đời người đều trong quá trình hoàn thiện đạo đức và nhân cách. Những giai đoạn đầu đời là giai đoạn xây nền móng, do đó, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật cho con em các dân tộc Điện Biên ngay từ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cần phải được quan tâm đặc biệt, không chỉ dừng lại ở một số quan điểm, chủ trương trong đường lối, trong nghị quyết. Từ yêu cầu này đặt ra cho mỗi văn nghệ sỹ Điện Biên một yêu cầu và cũng là nhiệm vụ cấp thiết là ngay từ hôm nay và cả chặng đường sáng tạo sau này, khi những giá trị cao đẹp của đạo đức, lối sống và nhân cách mà các văn sĩ Điện Biên đưa vào các tác phẩm văn học nghệ thuật, tiếp đó là truyền tải, quảng bá ra xã hội phải hết sức chú ý yêu cầu hợp quy luật, hợp lòng người và có sức hấp dẫn, lôi cuốn, cảm hóa sâu sắc bạn đọc, người xem và nghe, thì mới đáp ứng nhu cầu cấp thiết, khát vọng chân, thiện, mỹ của mỗi con người và rộng hơn là từng thế hệ con người Điện Biên./.

 

Nguyễn Vân Chương
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

.