Cội nguồn hoa ban

Thứ Tư, 11/03/2015, 10:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đã bao đời nay, loài hoa ban luôn được người dân vùng Tây Bắc nâng niu và trân trọng, đặc biệt là dân tộc Thái. Hàng năm cứ mỗi dịp xuân về, hoa ban lại nở trắng rừng. Theo truyền thuyết của đồng bào Thái, hoa ban có cội nguồn từ tình yêu của một đôi trai gái Thái và được lưu truyền cho đến ngày nay.

c
Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc Thái, hoa ban có cội nguồn từ một tình yêu thể hiện lòng thủy chung son sắc của một đôi trai gái.

 

Từ khi còn nhỏ, bà Lò Thị Xuân ở bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ đã được các cụ kể cho nghe về truyền thuyết cội nguồn của loài hoa Ban. Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc Thái, hoa ban có cội nguồn từ một tình yêu thể hiện lòng thủy chung son sắc của một đôi trai gái. Truyền rằng từ thuở xa xưa có một cô gái Thái rất xinh đẹp tên là Ban, nàng đem lòng yêu một chàng trai của bản tên là Khum, nhưng cha nàng vì ham giàu nên đã đem gả cho con trai nhà tạo mường, để bảo vệ được tình yêu của mình nàng đã trốn đi tìm chàng, trên đường đi nàng đã kiệt sức và ngã xuống, nơi nàng chết đã mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Rồi loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông, nên người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban. Bà Lò Thị Xuân kể lại: Trước kia, đôi trai gái yêu nhau rất xinh đẹp tên là nàng Ban và chàng Khum, sau này mỗi người một nơi, rồi nàng Ban chết, tại ngô mộ nàng đã mọc lên một cây hàng năm nở hoa màu trắng như bông có mùi thơm ngát và có vị ngọt, nên người dân bản đã đặt tên cho hoa đó là hoa ban. Từ xa xưa các ông bà đã truyền lại cho con cháu như thế. 

c c
Người dân tộc Thái thường chế biến hoa ban bằng nhiều món ăn khác nhau

 

Sức sống của cây ban rất mãnh liệt, dù trên đồi cỏ gianh khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, thế nhưng cứ mỗi độ xuân về cây ban lại trỗi dậy trong sự trường sinh bất tử hòa cùng lễ hội Xên bản, Xên Mường, cầu mùa, cầu phúc của dân tộc Thái. Hoa ban có 2 loại, loài hoa đỏ và hoa trắng. Hoa ban theo tiếng Thái là "Bó ban" tức là hoa ngọt. Hàng năm, vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 thì hoa ban nở rộ, đến cuối tháng tư thì hoa bắt đầu tàn. Trước kia, đồng bào dân tộc Thái thường phát nương vào mùa hoa ban nở và tra hạt vào lúc hoa tàn. Khi đi nương về, người dân thường hái hoa ban để chế biến các món ăn. Ông Lường Văn Đăm, xã Thanh Minh, TP.Điện Biên Phủ cho biết: Gia đình tôi thường chế biến món ăn từ hoa ban, hoa rất ngon và có vị ngọt nữa, ví dụ như làm nộm măng đắng với hoa ban.

c
Cây ban đã được trồng khắp các phố phường ở Điện Biên

 

Trong quan niệm của dân tộc Thái, hoa ban tượng trưng cho khát vọng, ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc yêu thương. Hàng năm,  cứ vào mùa hoa ban nở, người Thái Tây Bắc lại mở hội Xên bản, Xên mường hay còn gọi là hội hoa ban để cầu phúc và gửi gắm vào đó những ước vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường. Trong mâm cỗ, người Thái thường lấy hoa ban làm lễ vật cúng tổ tiên, để bày tỏ lòng biết ơn thành kính.

Hiện nay, ở Điện Biên cây ban đã được trồng khắp các phố phường. 2 năm gần đây, Điện Biên tổ chức lễ hội hoa ban tại thành phố Điện Biên Phủ vào đúng dịp mùa hoa ban nở để tôn vinh, bảo tồn, phát huy loại hình di sản văn hóa dân tộc, gắn bảo tồn văn hóa với tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

 

Duy Sinh – Tiến Dũng  

.