Ghép cải tạo vườn nhãn – mô hình cần được nhân rộng

Thứ Sáu, 08/08/2014, 08:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai một số mô hình ghép cải tạo giống nhãn chín muộn từ vườn nhãn chất lượng quả thấp. Đến nay, mô hình đã được Trung tâm triển khai trên diện tích khoảng 10 ha với gần 100 hộ tại 5 xã, phường của huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Vườn nhãn ghép cho quả chín muộn hơn chính vụ, bán được giá cao, chất lượng quả thơm ngon, cùi dày hơn nhãn thông thường do chú trọng khâu chọn giống...

Gia đình ông Lê Trung Thành, tổ dân phố 22, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ có 14 gốc nhãn được cấy ghép 3 năm tuổi và hiện đang cho ra trái. Với lượng quả khá nhiều và to, ước tính tới kỳ thu hoạch sẽ cho năng suất không dưới 50kg/gốc, với giá bán như thời điểm hiện nay, gia đình ông Thành thu về ít nhất 1 triệu đồng mỗi cây sau khi đã trừ chi phí như: cắt cành, ghép mắt, phân bón và công chăm sóc.

Cũng giống như hàng trăm hộ gia đình khu vực lòng chảo Điện Biên, những năm trước đây cây nhãn được ông Thành trồng ồ ạt trong vườn nhà mà hầu như không quan tâm nhiều đến giống cũng như chăm sóc cải tạo. Sau vài năm thu hoạch, vườn nhãn thoái hóa dần nên năng suất, chất lượng quả thấp, giá bán chẳng được bao nhiêu, thậm chí có năm không bán được cân nhãn nào do quả quá nhỏ, cùi mỏng, hạt to. Phá đi thì tiếc nên ông Thành cứ để mặc cho mấy chục cây nhãn tồn tại chiếm một diện tích vườn khá lớn, với một suy nghĩ đơn giản là để tạo môi trường sinh thái. Năm 2012, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình ghép cải tạo giống nhãn chín muộn từ vườn nhãn trơ, vườn nhãn đã thoái hóa tại một số hộ thuộc huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ, gia đình ông Thành được chọn triển khai mô hình này. Năm 2012, ông Thành chọn 14 cây để cùng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thực hiện việc đốn cây, ghép mắt, năm 2013 vừa chăm sóc, vừa theo dõi và năm 2014 này cả 14 cây nhãn cho kết quả đầy mĩ mãn.

Ông Lê Trung Thành, chia sẻ: "Được chọn thực hiện ghép cải tạo giống nhãn địa phương, và cùng với việc được hướng dẫn cách chăm sóc cây theo từng giai đoạn, đến nay các gốc ghép của gia đình tôi đã ra trái. Đúng là so với các cây không được ghép cải tạo, tôi nhận thấy chất lượng quả của gốc ghép ngon, to và năng suất cao hơn hẳn. Đây thực sự là một cách làm hiệu quả để người dân chúng tôi cải tạo giống nhãn địa phương, là cơ sở để phát triển kinh tế hộ".

v
Gốc nhãn được ghép cải tạo cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn các gốc nhãn thông thường.


Giống như gia đình ông Thành, gia đình bà Đặng Thị Nụ, đội 5B, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cũng được chọn triển khai mô hình ghép nhãn. Theo bà Nụ, chỉ khoảng 5 năm trước đây cả vườn nhãn mấy chục cây của gia đình đến mùa thu hoạch chỉ được khoảng hơn 1 tạ, quả nhỏ, hạt to, cùi mỏng. Năm 2012, nghe cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh vận động bà đồng ý đốn cây, ghép mắt, chăm sóc trong sự nghi ngờ tính hiệu quả của dự án. Nhưng đến mùa thu hoạch năm nay, dù mới chỉ có 2 trong số 10 cây được ghép cho quả, bà Nụ đã thu về gần 2,5 triệu đồng.

Với chức năng, nhiệm vụ là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới bà con nông dân để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tìm kiếm, lựa chọn các cây ghép giống tốt và các mắt ghép từ các cây nhãn gốc có các đặc điểm di truyền tốt, có năng suất cao, chất lượng quả thơm ngon để ghép vào các cây nhãn sẵn có của các hộ tham gia mô hình nhằm cải thiện chất lượng giống, nâng cao tính thích ứng của các giống tốt tạo ra các cây ghép mau ra quả với năng suất, sản lượng, chất lượng cao hơn. Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn người dân thực hiện việc trồng, ghép và chăm sóc cây theo đúng qui trình kỹ thuật.

Kỹ sư Vũ Đình Tần, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết:"Để có một gốc ghép hiệu quả, cần phải rất kỹ càng trong khâu lựa chọn cành chủ để ghép mắt; cùng với đó là việc phải chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh..."

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn: Mô hình ghép cải tạo vườn nhãn đạt kết quả rất khả quan, đa số các mô hình đều thành công và đạt hiệu quả cao, cây ghép chỉ sau 1 đến 2 năm đã được thu hoạch cho ra thị trường sản phẩm quả nhãn chín muộn hơn nhãn chính vụ; năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng từ 3 đến 4 lần; quả to, thơm ngon, cùi dày hơn nhãn thường, đem lại thu nhập cao và ổn định cho các hộ sản xuất. Từ chỗ năm 2012 - năm đầu triển khai mô hình mới chỉ có khoảng chục hộ tham gia với 50 cây nhãn trơ được ghép, đến năm 2013 đã có 50 hộ tham gia với 400 cây thì, đến năm 2014 này đã có hơn 100 hộ tại 5 xã, phường tham gia với gần 1.000 cây.

Nhãn là cây ăn quả rất phổ biến và có diện tích khá lớn trên địa bàn tỉnh ta, hiện nay nhiều diện tích cho năng suất, chất lượng quả không những thấp mà bán không được giá do thoái hóa và do chín tập trung. Ghép cải tạo vườn nhãn tạo ra cây nhãn chín muộn từ một cây mẹ giống tốt với những ưu điểm của gốc ghép có bộ rễ khỏe, chịu được hạn, úng, lạnh, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là bọ xít và do thời điểm ra hoa, đậu quả của cây nhãn ghép lệch so với chính vụ sẽ là một lợi thế để người trồng nhãn và bà con nông dân lựa chọn.
                                                         

Nhâm Hòa – Trọng Lâm

.