Hướng thoát nghèo từ chuyển đổi giống cây trồng ở Lao Xả Phình

Thứ Tư, 06/08/2014, 16:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Lao Xả Phình là một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện vùng cao của huyện Tủa Chùa. Xã có tỉ lệ hộ nghèo khá cao, theo thống kê năm 2013, cả xã có 6 thôn, 358 hộ, 2.138 nhân khẩu thì có đến 253 hộ nghèo, chiếm 72,07%. Một năm thiếu ăn vài ba tháng, giáp hạt năm nào cũng phải ngồi trông chờ vào nguồn gạo cứu đói của Nhà nước. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Xạ Phang (Hoa) sinh sống; trình độ dân trí không đồng đều nên nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác sản xuất còn nhiều hạn chế.

b
Cây tông dù 15 năm tuổi tại xã Lao Xả Phình.

Do đặc thù điều kiện tự nhiên của xã vùng cao chủ yếu là núi đá vôi, xã có diện tích tự nhiên trên 5.023 ha nhưng chỉ có 55ha ruộng, 442ha đất trồng ngô, lúa nương 35ha, trồng lạc 1ha, đậu tương cả năm 50ha… Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 320kg/năm. Đất sản xuất chủ yếu chỉ làm được một vụ, sản xuất phần lớn dựa vào thiên nhiên, nếu thời tiết không thuận lợi thì mất mùa và người dân thiếu đói 8 đến 10 tháng/năm là thường niên, khiến đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do người dân địa phương không có khả năng tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chưa biết sử dụng vốn vay hoặc có vay nhưng không hiệu quả, chưa biết sản xuất theo hướng hàng hóa, cây lương thực chủ yếu là lúa nương và ngô mà người dân chưa biết phát huy thế mạnh từ đất rừng nên bài toán nâng cao đời sống cho nhân dân khiến địa phương rất trăn trở.

Trong lúc cấp ủy, chính quyền và người dân đang loay hoay tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì năm 2012 với sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên về giống cây tông dù - một loại cây bản địa tiềm năng trong tương lai có thể giúp bà con xóa được đói, giảm được nghèo, phát triển rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; cùng với tâm huyết của đồng chí Chủ tịch xã Lao Xả Phình Đỗ Xuân Khải để đưa cây Tông dù về trồng tại xã nhà. Cây tông dù (tên gọi khác: xoan đào, xoan hôi), thích hợp ở những nơi có nhiệt độ trung bình 20 –25 độ C, lượng mưa 1.500 – 2.000mm, với độ cao từ 500 – 1.200m so với mực nước biển. Loại cây này mọc tốt trên đất đá vôi, đất phù sa sông suối, đất bồi tụ chân đồi, có thể trồng tập trung và phân tán. Là loại thân gỗ lớn, có dác mỏng màu nâu vàng, lõi màu nâu đỏ, vân thẳng, mặt cắt xuyên tâm hẹp, có sọc dài màu đen, gỗ tương đối cứng, ít co nứt, dễ gia công chế biến, ít mục, ăn sơn và keo dính, màu gỗ đẹp. Công dụng, do ít bị mối mọt có thể dùng trong xây dựng, làm nhà, bàn ghế, làm tàu thuyền, nông cụ, nhạc cụ… Ngoài ra, đọt non dùng ăn như rau, một số bộ phận của cây còn dùng làm thuốc chữa bệnh trong đông y.

Với trách nhiệm được phân công giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã giúp xã số tiền 40 triệu đồng để ươm giống được 16.500 cây tông dù và triển khai tới người dân trồng thí điểm tương đương với 16ha, đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương. Thấy được hiệu quả và tiềm năng của loại cây này, tháng 6 năm 2014, bằng sự kết nối ủng hộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp tục hỗ trợ cho xã 10 triệu đồng để nhân rộng giống cây tông dù. Bà con nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ, không để gia súc phá hoại, nên cây tông dù đã sinh trưởng và phát triển tốt. Theo ông Vàng A Cở, Bí thư Đảng ủy xã Lao Xả Phình, cho biết: Cây tông dù như nhà ông hiện có đã trồng trên 15 năm có thể bán được từ 15 đến 17 triệu đồng/cây.

Cùng với việc phát triển trồng cây tông dù, xã còn tích cực vận động nhân dân trồng cây sơn tra (táo mèo), đây là loại cây có thời gian sinh trưởng nhanh và cho thu hoạch ngắn ngày hơn cây tông dù. Quả sơn tra không những là vị thuốc có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, mà còn có khả năng phòng chống các rối loạn chuyển hóa, giảm mỡ máu, hạ huyết áp, điều hòa hoạt động tim mạch, bảo vệ gan, kháng khuẩn, là loại quả giải khát rất tốt trong mùa hè; giá bán trung bình 25.000 đến 30.000 đồng/kg, được mùa mỗi cây trung bình cho thu hoạch được từ 120 đến 150kg/cây. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kết nối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cấp 14.000 cây giống cho xã và đã tiến hành trồng vào tháng 5/2014. Với quyết tâm chuyển đổi giống cây trồng và hy vọng những giống cây này sẽ phát triển tốt trên mảnh đất khó khăn Lao Xả Phình sẽ giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo trong tương lai.

Tuy nhiên, để trở thành những giống cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, phát triển thành hàng hóa trong tương lai thì người dân nơi đây cần rất nhiều sự hỗ trợ của địa phương và các cấp, các ngành có liên quan trong việc hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, các chính sách phát triển để giúp người nông dân có được hướng phát triển kinh tế bền vững; giúp xã tìm ra được hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vào công tác tại Lao Xả Phình tháng 6/2014, Chủ tịch xã ông Lý A Chu phấn khởi cho biết: Được sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên, qua triển khai trồng cây tông dù, cây sơn tra cho thấy bà con rất tin tưởng vào tiềm năng, sự phát triển nhanh của những loại cây này nên rất yên tâm, phấn khởi. Thời gian tới, xã mong muốn được Chi cục Kiểm lâm tỉnh và huyện Tủa Chùa tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, phân bón và coi đây là cây thế mạnh để trồng rừng trên địa bàn của xã, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc trên vùng đất khó khăn Lao Xả Phình.

 

Khánh Toàn

.