Nông nghiệp Điện Biên trên đường phát triển

Thứ Tư, 16/04/2014, 09:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Gần 20 năm kể từ ngày thành lập, tuy phải thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế chậm phát triển, song ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng.

v
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng liên tục qua các năm, đến năm 2013 đạt trên 653,2 tỷ đồng, tăng 150,7 tỷ đồng so với năm 2008

Sau nhiều năm hoạt động dựa trên chức năng nhiệm vụ của mình, vào tháng 5 năm 1996, 3 Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy lợi đã chính thức sáp nhập thành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn; phòng chống lụt bão, an toàn nông sản, lâm sản, thủy sản trong quá trình sản xuất đến khi đưa ra thị trường. Tuy phải thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế chậm phát triển, song tự hào được sống và cống hiến trên mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cán bộ, công nhân viên chức các thế hệ đã xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên ngày một trưởng thành, góp phần xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Là tỉnh thuần nông, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông khó khăn, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra; giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp luôn đứng ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ đối với sản xuất và đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, kinh tế nông nghiệp nông thôn có những bước phát triển vững chắc, khá toàn diện. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn thời gian qua đã được chú trọng theo hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, tăng cường dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và những lợi thế của vùng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất, chính sách hỗ trợ khai hoang phát triển sản xuất, thâm canh, tăng vụ được ưu tiên. Nhờ đó, diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng chủ yếu đều tăng. Bởi vậy, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP của toàn tỉnh giảm, song tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2009 - 2013 được duy trì ở mức tương đối ổn định, đạt 5,11%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng liên tục qua các năm, đến năm 2013 đạt trên 653,2 tỷ đồng, tăng 150,7 tỷ đồng so với năm 2008. Bình quân lương thực đầu người cuối năm 2013 đạt 449 kg. Từ một tỉnh thường xuyên nhận viện trợ lương thực của Trung ương, đến nay không chỉ đảm bảo lương thực, tỉnh còn dư xuất bán ra ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm gạo đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”; trong đó gạo Bắc thơm số 7 đã trở thành sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đem lại giá trị kinh tế gần gấp đôi so với một số loại gạo thông thường khác. Trong sản xuất lương thực, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực chỉ đạo, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác thủy lợi, tích cự nghiên cứu, khảo nghiệm đưa giống chất lượng cao vào sản xuất. Năm 2013, năng suất lúa ruộng trung bình toàn tỉnh đạt trên 51 tạ/ha.

c
Ngoài các vùng cà phê trọng điểm như: Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên, tỉnh đã quy hoạch phát triển vùng cà phê tại huyện Mường Nhé

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp cho biết: "Từ sau năm 2000, Điện Biên bước vào nền kinh tế thị trường, do đó sản xuất hàng hóa đòi hỏi sản phẩm phải có giá trị cao, cho nên công ty đã chọn lọc được một bộ giống và cho đến bây giờ vẫn là giống chủ lực của tỉnh Điện Biên, ví dụ như Bắc thơm số 7, IR64 và một số giống khác. Ở các tỉnh đồng bằng người trồng lúa phấn đấu 1ha thu về khoảng từ 50 - 60 triệu đồng/ha/vụ, đối tỉnh Điện Biên đã đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha/vụ rồi, nếu quy ra một năm thì đạt khoảng 160 - 170 triệu đồng. Phải nói là lợi thế này ít tỉnh có được. Để đạt được điều này, trước hết phải nói là điều kiện ở Điện Biên cũng ưu đãi cho tất cả các giống lúa. Thứ hai là trong những năm qua, công ty đã chọn được một bộ giống rất thích hợp. Chính vì như thế, đã tạo ra sản lượng và giá trị cao như hiện nay."

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện một cách vững chắc, đã chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Với chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, những năm qua, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi một số diện tích gieo trồng lúa nương năng suất thấp sang trồng cây công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đã chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày theo hướng bền vững sản xuất hàng hóa, xuất khẩu. Đến nay, bước đầu trong toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung, sản phẩm đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, nhất là cây cà phê với gần 4.000ha. Ngoài các vùng cà phê trọng điểm như: Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên, tỉnh đã quy hoạch phát triển vùng cà phê tại huyện Mường Nhé. Vùng chè shan tuyết tại huyện Tủa Chùa với diện tích trên 550ha, đã từng bước tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án. Đặc biệt, với dự án phát triển cây cao su, đến nay, toàn tỉnh đã trồng 4.323ha tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên và TP.Điện Biên Phủ. Dự kiến, năm 2015, gần 900ha cao su đã trồng từ năm 2008 sẽ đưa vào khai thác mủ. Đây là loại cây được kỳ vọng mở hướng thoát nghèo, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là người dân vùng dự án, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại cây công nghiệp mới như: Mắc ca, thầu dầu, nguyên liệu gỗ.

Lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân giai đoạn 2005 – 2013 đạt trung bình 4,7%/năm. Năm 2013, toàn tỉnh hiện có khoảng 48 vạn con gia súc. Trong đó, đàn trâu 120 ngàn con, đàn bò 45 ngàn con, đàn lợn 315 ngàn con. Dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào áp dụng trong sản xuất. Các hình thức chăn nuôi như trang trại, gia trại với số lượng lớn đang là xu thế chung của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Về thủy sản, hàng năm diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng, nhiều giống thủy sản có giá trị được đưa vào sản xuất, tạo điều kiện phát huy thế mạnh về mặt nước, nguồn nước, lao động và mang lại thu nhập cao cho nông dân nuôi trồng thủy sản. Đến nay, diện tích nuôi trồng đạt gần 2.000ha, sản lượng trên 1.500 tấn. Phong trào nuôi trồng thủy sản có chiều hướng đi sâu về chất lượng. Nhiều loại hình nuôi được áp dụng gồm: Nuôi cá ao nước tĩnh hệ VAC, nuôi bán thâm canh, thâm canh các loài thủy sản có năng suất, chất lượng cao như cá rô phi, tôm càng xanh đều cho hiệu quả kinh tế cao và ngày càng được mở rộng.

v
Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân giai đoạn 2005 – 2013 đạt trung bình 4,7%/năm

Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Giai đoạn từ năm 2000 trở về trước, tỉnh ta cũng được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đầu tư cho Điện Biên rất nhiều công trình thủy lợi, trong đó đặc biệt là công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Sau này các huyện, các xã cũng được đầu tư nhiều công trình thủy lợi nhỏ, cho nên diện tích lúa ruộng của tỉnh tăng lên đáng kể. Từ chỗ có lúa ruộng, có công trình thủy lợi và có áp dụng khoa học kỹ thuật, do đó năng suất, sản lượng lúa ruộng tăng lên đáng kể, vụ chiêm xuân vừa rồi có xã ở cánh đồng Điện Biên đạt 70tạ/ha. Một điều phấn khởi là chất lượng gạo của chúng ta rất tốt và giá trị đem lại cao. Về lúa nương, cũng duy trì diện tích nhất định, hướng lâu dài chúng ta cũng giảm diện tích lúa nương, vì canh tác không bền vững. Còn từ năm 2000 trở lại đây, có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp là có diện tích cà phê, cao su, chè tăng lên đáng kể. Mở ra được những diện tích này thì rõ ràng đời sống của người dân sẽ tăng lên và sẽ giải quyết được vấn đề canh tác bền vững. Sắp tới chúng ta sẽ mở rộng thêm diện tích rừng."

Với mục tiêu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh từng vùng, từng địa phương, ngành Nông nghiệp đã và đang từng bước áp dụng công nghệ cao để giảm chi phí, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp có lợi thế; phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến các sản phẩm lâm nghiệp, giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống nông dân. Khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh liên kết để sản xuất, xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn. Phát triển sản xuất gắn với chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng đến các xã điểm của tỉnh nhằm từng bước phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện, bền vững.

 

Nhâm Hòa – Huy Long
 

.