Huyện Điện Biên Đông

Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Thứ Tư, 16/07/2014, 10:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian qua, huyện Điện Biên Đông tích cực vận động, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Nhờ đó, tốc độ tăng đàn gia súc trên địa bàn đạt kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó phụ trách Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, cho biết: Với nhiều giải pháp sát thực trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), đến nay, toàn huyện có trên 86.900 con; trong đó 18.418 con trâu, 10.256 con bò, 9.868 con dê và đàn lợn trên 48.300 con. Tốc độ phát triển đàn gia súc tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2013 (trong đó, tốc độ đàn bò tăng cao nhất 5,2%). Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã dần thay đổi tập quán chăn thả rông, tập trung làm chuồng trại để thuận tiện chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc. Công tác tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng… định kỳ cho trâu, bò, lợn được triển khai kịp thời. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ đàn trâu, bò ốm chết do dịch bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn huyện có 46 con trâu, bò và lợn mắc bệnh tụ huyết trùng, 80% gia súc mắc bệnh được điều trị và chữa khỏi.

b
Người dân xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) chăm sóc đàn gia súc theo hướng chăn dắt.


Để đạt được mục tiêu nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện lên 22 - 24% năm 2015 và 28 - 30% năm 2020, huyện Điện Biên Đông xác định đồng thời thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, tập thể phát triển trang trại; phát triển chăn nuôi gắn liền với xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Tập trung nuôi các giống trâu, bò địa phương dưới tán rừng gắn với kinh tế hộ, kinh tế trang trại, vườn đồi, vườn rừng; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn trâu từ 3,4 - 4%/năm, đàn bò 5,5 - 6%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, tổng đàn trâu toàn huyện đạt 18.800 con, đàn bò 10.500 con. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển một số vùng nuôi bò thịt theo mô hình kinh tế trang trại ở các xã: Pú Nhi, Noong U, Tìa Dình, Phình Giàng... Đàn dê tập trung ở các xã vùng cao như: Pú Nhi, Sa Dung, Phì Nhừ, Keo Lôm; từng bước tăng dần đàn dê lai, dê bách thảo thay thế đàn dê địa phương. Riêng đàn lợn, đàn gia cầm khuyến khích người dân phát triển rộng khắp theo quy mô hộ gia đình.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh, huyện khuyến khích người dân chuyển diện tích đất nương kém hiệu quả, tận dụng diện tích đất chưa sử dụng ven suối, bờ ao hồ để trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Mặt khác, chú trọng hướng dẫn bà con kỹ thuật ủ rơm, ủ chua, ủ xanh thức ăn… để tận dụng nguồn phụ phẩm nông sản tại chỗ như rơm, rạ, thân cây ngô, lạc làm thức ăn cho trâu, bò; hướng dẫn hộ chăn nuôi trâu, bò làm chuồng trại hợp vệ sinh, tránh hướng gió lùa, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Đồng thời, xây dựng một số cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện nhằm giảm cước phí vận chuyển và giảm giá thành sản phẩm; xây dựng lò mổ gia súc tập trung.
 

Minh Thùy

.