Hiệu quả từ mô hình trồng nấm

Thứ Tư, 09/07/2014, 16:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đào tạo và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm đến với người dân đang được Trung tâm Nấm của tỉnh triển khai thực hiện và nhân rộng nhằm thay đổi tư duy sản xuất,  tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

c
Mô hình trồng nấm rơm của chị Lò Thị Chiềng, bản Ten Luống 1, xã Thanh An, huyện Điện Biên cho thu lãi từ 6 - 7 triệu đồng trong thời gian 2,5 tháng.


Gia đình chị Lò Thị Chiêng, bản Ten Luống 1, xã Thanh An, huyện Điện Biên là một trong những hộ gia đình khó khăn nhất của bản. Đầu năm 2013, chị được nhận vào làm công nhân tại Trung tâm Nấm của tỉnh thuộc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp. Trong quá trình làm công nhân nhân ở đây, chị đã được tiếp cận và hướng dẫn các thao tác từ việc lấy nguyên liệu đến chăm sóc và thu hoạch nấm thương phẩm. Nhận thấy việc trồng nấm đầu tư không nhiểu mà lại dễ tiêu thụ, chị Chiêng đã quyết định mua giống của Trung tâm về trồng tại gia đình. Với 8 tạ rơm được ủ, sau 1 tuần sẽ cho thu hoạch, ước tính trong vụ này gia đình chị sẽ thu hoạch được khoảng 1,8 tấn nấm. Với giá bán 50.000đ/kg nấm thương phẩm, như vậy, trừ chi phí chị Chiêng sẽ lãi từ 6 - 7 triệu đồng trong thời gian 2,5 tháng. Đây thực sự là số tiền không nhỏ, giúp gia đình có điều kiện chăm lo cho con cái.

Trung tâm Nấm của tỉnh hiện đang phát triển các loại nấm như: Nấm sò, nấm linh chi, nấm rơm, nấm trân trâu và mộc nhĩ. Trồng nấm có thể tận dụng các phụ phẩm và các nguyên liệu như: Mùn cưa, rơm, vỏ cây, lõi ngô… Ông Phạm Ngọc Sáng, Giám đốc Trung tâm Nấm Điện Biên, cho biết: Trong các khâu xử lý nguyên liệu đến chăm sóc và thu hái thì khâu đưa vào hấp vô trùng, xử lý ở nhiệt độ ổn định có vai trò quan trọng nhất. Bởi nhiệt độ ổn định sẽ quyết định đến chất lượng của cây giống và năng suất khi thu hoạch. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ kỹ thuật phải thực sự cẩn thận, tỉ mỉ kiểm tra nhiệt độ, đảm bảo không quá thấp hoặc không quá cao trong quá trình hấp vô trùng.

v
Trung tâm Nấm hiện đang phát triển nhiều loại nấm có giá trị kinh tế cao.


Ông Sáng cho biết thêm, trong năm 2013, Trung tâm Nấm đã sản xuất thành công và đưa ra thị trường tiêu thụ từ 90 - 100 tấn nấm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương. Trồng nấm, đặc biệt là nấm rơm là hướng đi mới, đầu tư chi phí không quá nhiều mà bất cứ gia đình nào cũng có thể tận dụng rơm rạ để phát triển trồng nấm rơm. Vì vậy, Trung tâm Nấm đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ trồng nấm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia học tập của 1.000 hộ dân.

Hiệu quả từ việc nghiên cứu, sản xuất nấm ở Trung tâm Nấm và nhân rộng ở các hộ gia đình sau khi được chuyển giao kỹ thuật đã và sẽ góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân; đồng thời, tận dụng các nguyên liệu tại chỗ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
 

Mùa Thu – Đức Bình

.