Cảnh báo số ca viêm não tăng cao sau mắc cúm A ở phía Bắc
Bệnh cúm A đang lây lan mạnh với nhiều chùm ca bệnh, các bệnh viện ghi nhận các trường hợp bệnh nhi bệnh nặng, tỉ lệ mắc viêm não sau cúm A tăng lên so với trước đây.
Thông thường bệnh cúm A thường tăng mạnh ở phía bắc vào mùa đông xuân (tháng 3, 4) và mùa thu đông (tháng 9, 10) hàng năm. Tuy nhiên năm nay, dịch bắt đầu bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, diễn biến khá bất thường, biểu hiện dịch bùng trái mùa…
Bên cạnh việc bùng phát trái mùa thì diễn biến dịch cúm A tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc lúc này cũng có yếu tố bất thường khi ghi nhận nhiều ca bị biến chứng viêm não, co giật sau mắc cúm…
Tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, tới sáng ngày 19/7 có khoảng 30 bệnh nhân cúm A đang điều trị, chiếm đa số trong các bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ riêng trong ngày 18/7, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em đã điều trị tới 45 trẻ mắc cúm A. Không ít bệnh nhân cúm A diễn biến nặng, 1 trường hợp bệnh nhi phải đặt ECMO.
Nhiều bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, cúm, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh... chưa kể số ca nhẹ hơn điều trị ngoại trú.
Trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lí nền, phụ nữ mang thai. Đặc biệt, bệnh viện ghi nhận chùm ca bệnh gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh.
Một điểm hết sức đáng chú ý là năm nay, có 40-45% trẻ nặng nhập viện do cúm A bị co giật. Thông thường trước đây chỉ 1-2% mắc viêm não sau cúm A, nhưng năm nay số lượng bị viêm não lên đến 3-6%.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi trung ương, biến chứng nguy hiểm gần đây xuất hiện nhiều là viêm não sau khi mắc cúm. Khoảng 3-5 ngày mắc cúm, một số trẻ có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương như lơ mơ, li bì, co giật… Đây đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện.
Bác sĩ Hải cho biết, bệnh cúm A thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Những nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm là: trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, những người có tình trạng bệnh lý mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ…
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh cúm, người dân cần tiêm vaccine phòng cúm hằng năm, nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết…
Link: https://vtv.vn/xa-hoi/canh-bao-so-ca-viem-nao-tang-cao-sau-mac-cum-a-o-phia-bac-20220719203335679.htm
Theo VTV