Khám, chữa bệnh trực tuyến sẽ lên ngôi kể cả sau dịch COVID-19

Thứ Sáu, 11/09/2020, 06:44 [GMT+7]

Trong tháng 9/2020, Telehealth sẽ có 1.000 điểm kết nối tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên toàn quốc.

Hội chẩn liên viện các ca mắc COVID-19 nặng trên cả nước và khám, chữa bệnh từ xa đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Kỷ nguyên 4.0, với hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến, khám chữa bệnh từ xa có thể trở thành xu hướng kể cả khi không còn dịch COVID-19, đồng thời góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện.

Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel chủ trì xây dựng đến nay đã kết nối hơn 600 bệnh viện tại các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có các bệnh viện tuyến cuối như  Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K… Dự kiến trong tháng 9/2020, Telehealth sẽ có 1.000 điểm kết nối tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên toàn quốc.

1
Hội chẩn trực tuyến giữa các bệnh viện về điều trị các ca COVID-19 nặng.

Ngay trong Lễ khai trương Telehealth ngày 31/8, Bệnh viện K đã tiến hành hội chẩn một số ca bệnh khó, phức tạp đang điều trị tại Bệnh viện ung bướu Nghệ An và Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên... Mỗi ca bệnh, đại diện cơ sở y tế mà người bệnh đang điều trị sẽ trình bày tóm tắt bệnh án, tình hình sức khoẻ, phim chụp CT, MRI, XQ, Nội soi, Giải phẫu bệnh (nếu có), quá trình đã điều trị... Theo đó, tại điểm cầu Bệnh viện K các chuyên gia sẽ cùng trao đổi thêm thông tin, thảo luận và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Bệnh viện K đã thường xuyên gắn kết với việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến hàng tuần qua kênh youtube, fanpage của bệnh viện cho người bệnh, người nhà người bệnh, người dân về các phương pháp điều trị, dự phòng, khám tầm soát các bệnh ung thư đã thu hút hàng triệu lượt người dân theo dõi.

Thực tế, từ năm 2017, người dân cả nước đã làm quen với ứng dụng tư vấn và khám chữa, bệnh trực tuyến VOV Bacsi24. Đây là ứng dụng khám, chữa bệnh trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, có thể sử dụng trên điện thoại thông minh và trên máy tính. Trong đó, ứng dụng trên máy tính có thêm tính năng để các bác sĩ cùng tham gia hội chẩn. Các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K... đã tham gia tư vấn và chữa bệnh trực tuyến trên video call qua ứng dụng VOV Bacsi24.

Kết quả cho thấy người bệnh cảm thấy rất hài lòng và tiện ích sau khi được tư vấn bởi họ không phải tốn quá nhiều chi phí để đi lại điều trị.

Đến nay, Bộ Y tế đã đưa hệ thống Telehealth trở thành một phần trong Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020- 2025. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, Telehealth được triển khai tốt thì tất cả các cơ sở y tế sẽ được hỗ trợ chuyên môn liên tục. Không chỉ tuyến tỉnh, huyện mà tới đây còn kết nối với cả bác sĩ tại trạm y tế khi bác sĩ đang khám cho cụ thể tại 1 bệnh nhân.

“Mọi người dân phải đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong điều kiện đảm bảo giãn cách xã hội như khi dịch COVID-19 bùng phát vừa qua và cả những dịch bệnh khác. Khám, chữa bệnh từ xa giúp giảm chi phí và thời gian đi lại cho người dân, đáng lẽ bệnh nhân từ các tỉnh miền núi phải xuống nhưng có sự hỗ trợ từ xa làm tại chỗ sẽ giảm thời gian, chi phí; giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, hạn chế nằm ghép và làm tốt công tác chăm sóc; tăng cường nâng cao được năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, hỗ trợ nhưng đồng thời cũng là đào tạo, cập nhật chuyên môn cho tuyến dưới”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu 2 khó khăn, trong đó, Bộ Y tế đang chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn… làm việc với các bộ ngành chuyên môn làm rõ các vấn đề như hướng dẫn thanh toán khám chữa bệnh từ xa như thế nào và tính pháp lý của kết quả hội chẩn từ xa như ra sao?

Ngày 4/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng khai trương và chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth Center). GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng, Telehealth sẽ tạo một nền tảng cho “thế giới phẳng trong y tế”.

“Hệ thống Telehealth giúp làm xóa nhòa ranh giới, khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với các bệnh viện tuyến Trung ương. Nhờ hệ thống này, nhiều bà con lần đầu tiên được các Giáo sư, chuyên gia hàng đầu trực tiếp tư vấn, đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Chính vì vậy, quyết định của Bộ Y tế về việc mở rộng hệ thống này trên toàn quốc là hoàn toàn đúng”, GS.TS Trần Bình Giang nói.

1
Ngay trong Lễ khai trương Telehealth ngày 31/8, Bệnh viện K đã tiến hành hội chẩn một số ca bệnh khó, phức tạp đang điều trị tại Bệnh viện ung bướu Nghệ An và Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên.

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K: “Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, và có nhiều lợi ích cho người bệnh và các cơ sở y tế, đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới. Người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh”./.

Link: https://vov.vn/xa-hoi/kham-chua-benh-truc-tuyen-se-len-ngoi-ke-ca-sau-dich-covid-19-777964.vov

 

Theo Thiên Bình/VOV

.