Giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày có hợp lý?
Theo Bộ Y tế, giá giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu là trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các BV khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường.
Chiều 12/8, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về y tế năm 2019, do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho rằng, việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập là cần thiết.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, Thông tư này là hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám bệnh chữa bệnh theo nhu cầu của cơ sở y tế công lập chứ không phải quy định mức giá cụ thể.
Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế. |
Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
“Nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân”- ông Nguyễn Nam Liên cho biết.
Mỗi năm có 40.000-50.000 người Việt ra nước ngoài chữa bệnh
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nam Liên cũng cho rằng, hiện các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nên thời gian vừa qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh.
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 40.000-50.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, chi phí tốn 2 tỷ USD. Trong khi đó, hiện có khoảng hơn 300.000-500.000 người nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nam Liên, nếu các cơ sở y tế ở nước ta có khu dịch vụ chất lượng cao, khi đó, người Việt không phải ra nước ngoài và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng không phải về nước hoặc đi các nước khác để chữa bệnh.
“Việc thu hút người nước ngoài chữa bệnh ở Việt Nam còn giúp chúng ta thu hút ngoại tệ từ các đối tượng này. Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập”- ông Liên cho biết.
Bộ Y tế cũng cho biết, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu: thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Thông tư này ra không ảnh hưởng đến các đối tượng không có như cầu sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu.
Giá giường bệnh dịch vụ hoàn toàn khác với khách sạn hạng sang
Theo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, đối với dịch vụ ngày giường bệnh: Thông tư quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, lọai I, giường điều trị nội khoa…. Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sỹ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, việc so sánh giường bệnh thu 4 triệu đồng/ngày với khách sạn hạng sang là không hợp lý. “Điều này hoàn toàn khác, bởi khách sạn chỉ ở thời gian ngắn, chủ yếu tối về ngủ, còn ban ngày đi công tác, đi du lịch. Nhưng giường bệnh viện là người bệnh phải nằm 24/24h, luôn có điều dưỡng chăm sóc 24/24h giờ, kèm ăn uống, bệnh lý... Giường 4 triệu đồng/ngày chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Giường này có cả giường nằm cho người nhà, phòng tiếp khách trong phòng bệnh”- ông Liên nêu rõ./.
Theo Minh Khánh/VOV.