Type EV71: Nguy cơ gây biến chứng trong bệnh tay chân miệng

Thứ Năm, 22/03/2018, 19:21 [GMT+7]

Bệnh Tay - Chân - Miệng lây truyền từ người sang người do hai nhóm tác nhân gây bệnh: nhóm virus đường ruột Coxsacki (A16) và Enterovirus 71 (EV71).
 

Theo Bác sĩ Vũ Thị Thúy Chi, Bệnh viện đa khoa Medlatec: bệnh tay chân miệng do một số chủng virus đường ruột gây ra và lây lan theo đường tiêu hóa, lây truyền từ người sang người do hai nhóm tác nhân gây bệnh: nhóm virus đường ruột Coxsacki (A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, type EV71 là tác nhân gây ra các trường hợp nặng và các biến chứng nguy hiểm như viêm não màng não, viêm phổi cấp tính, viêm cơ tim,… Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có biểu hiện bệnh.

Tại Việt Nam, bệnh xảy ra rải rác quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào mùa hè và mùa thu. Tất cả mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên dễ mắc nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 3 tuổi.

Nguồn lây và đường lây truyền

- Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc với người bệnh khi bắt tay, ho hắt hơi, dùng chung bát đũa, đồ chơi, tiếp xúc với dịch nốt phỏng… Bệnh dễ lây lan ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém và các nơi tập thể như trường học, siêu thị, trung tâm giải trí,… là yếu tố góp phần giúp bệnh lây lan nhanh, đặc biệt các đợt bùng phát.

- Virus phát tán ra môi trường 3 ngày trước khi có sốt (giai đoạn ủ bệnh) và 7 ngày sau khi hết sốt.

Biểu hiện bệnh chân tay miệng

- Thời gian ủ bệnh: 3-7 ngày, không có triệu chứng.

- Giai đoạn khởi phát 1-2 ngày:

+ Đầu tiên virus cư trú ở niêm mạc má hay hồi tràng, sau 24 giờ, virus nhanh chóng lây lan sang các hạch bạch huyết và vào máu.

+ Các dấu hiệu bao gồm: sốt nhẹ 37,5-38 độ C, mệt mỏi, đau họng, loét miệng, tiêu chảy, trẻ quấy khóc, biếng ăn.

- Giai đoạn toàn phát:

+ Giai đoạn này xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh, biểu hiện phát ban ở vị trí đặc hiệu như:

• Loét miệng;

• Phỏng nước trên da: hay gặp ở lòng bàn tay, bàn chân, kich thước 2-10 mm.

• Trường hợp không điển hình có thể chỉ có loét miệng, hoặc có hồng ban dát đỏ ở tay chân, đầu gối, mông.

+ Trường hợp là trẻ bị có thể quấy khóc, bỏ bú, khó ngủ, có thể sốt nhẹ hoặc hết sốt. Nếu có sốt cao, nôn nhiều cần lưu ý biến chứng nguy hiểm.

+ Với những thể thông thường khoảng 7 ngày sau nhiễm virus bị trung hòa và bệnh tự khỏi. Đối với những thể nặng, tối cấp và biến chứng thường do nguyên nhân EV71 thì diễn biến cấp tính và trầm trọng với các biểu hiện ở cơ quan thần kinh, não - màng não, tim , phổi… Đặc biệt, nếu có biểu hiện suy hô hấp, suy tim, hôn mê có thể dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ.

Các kỹ thuật chẩn đoán

- Với các thể thông thường của bệnh chân tay miệng được chẩn đoán dễ dàng qua các biểu hiện và kết quả xét nghiệm gồm:

+ Xét nghiệm cơ bản:

• Tổng phân tích máu: bạch cầu thường không tăng. Nếu bạch cầu tăng thì thường có bội nhiễm.

• CRP: thường không tăng, hoặc chỉ tăng nhẹ.

• Men gan, thận, điện giải đồ: để theo dõi biến chứng bệnh.

+ Xét nghiệm phát hiện virus:

• Test nhanh EV71: phương pháp này xác định sự có mặt của kháng thể IgM EV71 trong cơ thể. Phương pháp này cho kết quả nhanh, nhưng giá trị dự báo dương tính thấp và tỷ lệ dương tính giả cao.

• Kỹ thuật Realtime-PCR: xác định ARN của virus. Phương pháp này cho kết quả nhanh chóng, chính xác, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nên được ứng dụng rộng rãi ở nhiều phòng xét nghiệm chuyên sâu hiện nay.

• Kỹ thuật nuôi cấy virus: phương pháp này chủ yếu dùng trong nghiên cứu, vì chi phí đắt, phức tạp và mất nhiều thời gian.

• Ngoài ra, có một số các kỹ thuật ít được áp dụng vì chi phí cao, không thực tế,… như miễn dịch huỳnh quang, khuếch đại gen hay type huyết thanh.

+ Chẩn đoán phân biệt với: herpes, áp tơ miệng, thủy đậu, sởi, rubella, sốt xuất huyết, dị ứng,....

Điều trị bệnh

- Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh chân tay miệng, vì vậy, chỉ điều trị triệu chứng, bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân, môi trường sống.

- Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh Tay - Chân - Miệng, cần đến viện để được khám, chẩn đoán và điều trị hợp lí, kịp thời.

- Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm tự khỏi, song không thể chủ quan, nhất là với căn nguyên gây bệnh là EV71.

- Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh trở nên vô cùng quan trọng. Và đồng hành với nó là việc chẩn đoán căn nguyên EV71 là điều rất cần thiết.

 

 

Theo VTV

.