Nâng cao chất lượng y tế cơ sở cần thay đổi cơ chế quản lý, tài chính

Thứ Tư, 04/10/2017, 07:43 [GMT+7]

Để hoạt động của trạm y tế tuyến xã hiệu quả hơn, ngành y tế cần có những thay đổi về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính... đáp ứng đòi hỏi của xã hội.
 
Mạng lưới y tế cơ sở nói chung và y tế tuyến xã nói riêng được xác định là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế. Trong đó, trạm y tế xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp. Do vậy, để hoạt động của mạng lưới trạm y tế tuyến xã ngày càng đúng mục tiêu đặt ra, ngành y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng đang đứng trước đòi hỏi ở mức cao hơn của xã hội. Cùng với đó là những thay đổi cơ chế quản lý, cơ chế tài chính.     
 

1
Nhiều trạm y tế cơ sở của Bạc Liêu chưa theo kịp thực tế nhu cầu của người dân.


Mới 8 giờ sáng mà Trạm y tế xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều người xếp hàng chờ khám và điều trị bệnh. Không chỉ là người dân trong xã mà nhiều người dân ở các xã lân cận cũng tập trung đến khám. Bà Lê Thị Thoa ở ấp 1, xã Phú Ninh cho biết bản thân mắc bệnh tim, đau bao tử, thoái hóa cột sống… nên phải đến cơ sở y tế khám và điều trị bệnh từ 3 đến 4 lần/tháng: "Hồi lúc đầu trạm y tế mới xong thì ít tới khám lắm vì không đủ trang thiết bị. Có tới thì chỉ xin giấy giới thiệu của bảo hiểm để lên tuyến trên thôi. Giờ ở đây có xét nghiệm máu, siêu âm, cũng gần nhà nên tôi tới đây khám. Bác sĩ, y tá ở đây cũng tận tình điều trị cũng giảm bệnh".

Thu hút được nhiều người dân đến khám và điều trị, trong đó, việc đóng góp đầu tư trang thiết bị là bước đột phá của trạm y tế. Cuối năm 2012, các thành viên của trạm đã họp bàn thống nhất phương án tùy khả năng mỗi người có thể đóng cổ phần, mỗi cổ phần là 100.000 đồng. Hình thức đóng góp là tiền mặt, nếu không trừ dần vào lương. Thời gian đầu chỉ hơn 2/3 nhân viên của trạm y tế tham gia. Sau đó, tất cả đều tham gia cổ phần, nâng tổng số lên hơn 250 cổ phần với hơn 250 triệu đồng. Tất cả số tiền này được đầu tư mua máy móc như máy xét nghiệm sinh hóa và huyết học, máy siêu âm, đo điện tim, thiết bị phân tích nước tiểu; trang thiết bị y tế và thuốc men đủ để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Nhờ vậy, đã thu hút nhiều người đến khám và chữa bệnh tại trạm y tế xã. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh, tăng hơn gấp đôi, gấp ba lần so với trước khi xã hội hóa.

Bác sĩ Mai Phú Cường, Trưởng trạm Y tế xã An Long cho biết: "Do nhu cầu người dân địa phương và do vị trí ở đây thuận tiện giao thông. Nhưng cái quan trọng là có những ca điều trị nằm trong tầm tay, nếu như có một vài xét nghiệm nhỏ thì giúp được cho bệnh nhân mà không cần lên tuyến trên".
 

1
Bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang ở Bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.


Tại Tiền Giang, bên cạnh những mặt khó khăn, hạn chế của các trạm y tế thì cũng có một số trạm y tế thay đổi phong cách phục vụ bệnh nhân, nâng cao tinh thần trách nhiệm, y đức của người thầy thuốc. Trạm y tế xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho còn thu hút cả bệnh nhân các xã lân cận như: Thanh Bình, Song Bình- huyện Chợ Gạo; Tân Mỹ Chánh- Thành phố Mỹ Tho.

Về kinh nghiệm phục vụ bệnh nhân ở tuyến cơ sở, bác sĩ Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng trạm Y tế xã Mỹ Phong, chia sẻ: "Trạm y tế Mỹ Phong có người dân đến nhiều là mình tư vấn, khám kỹ cho bệnh nhân. Trước hết mình làm cho cơ sở sạch đẹp, thoáng mát phải có chỗ cho bệnh nhân ngồi. Khâu tiếp đón bệnh nhân rất quan trọng, bệnh nhân vô mình phải làm như thế nào cho người dân hài lòng. Mình phải nói nhỏ nhẹ,  hướng dẫn rõ ràng. Trong quá trình khám bệnh mình phải tư vấn là chủ yếu cho bệnh nhân. Cái dùng thuốc là thiết yếu nhưng nó không quan trọng bằng cái tư vấn".

Rõ ràng, một khi đã có sự quan tâm, đầu tư với nhiều hình thức để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì y tế cơ sở vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của người dân. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau,vấn đề đặt ra hiện nay để ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là cần phát triển song hành giữa cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải xem lại.

"Đào tạo nhân lực phải chuẩn. Bây giờ các văn bằng mình ra búa xua trường. Nước ngoài người ta cho rằng mình đào tạo lãng phí. Những chuyên ngành bên y tế, ở Mỹ toàn cử nhân thôi là xài đủ rồi. Còn mình đào tạo 6 năm ra trường lãng phí. Ví dụ, chẩn đoán hình ảnh, ông đó đâu cần thiết khám lâm sàng gì đâu. Ông vô ông học sâu về chuẩn đoán hình ảnh 4 năm ra, ông giỏi hơn. Nên phải xác định lại đào tạo trong y khoa", ông Việt cho biết.

Với đặc thù địa phương vùng sông nước, đầu nguồn lũ, có nhiều khu vực giáp biên giới Campuchia, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, người từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, là việc đồng bộ các giải pháp từ đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ và chất lượng chuyên môn theo nhiều hình thức: đào tạo liên tục, đào tạo dài hạn tại các trường đại học, đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc"; đào tạo và triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu nói thêm: "Ngành y tế cần tập trung đổi mới để tập trung phục vụ người dân ở các tuyến y tế tốt hơn. Phải tập trung đổi mới chất lượng phục vụ của mình. Không đổi mới, không nâng cao chất lượng thì sự chọn lựa người dân đến khám càng ít dần. Cũng từ đó, không có uy tín, sự tin cậy".

Theo số liệu từ Bộ Y tế, với sự có mặt của bác sĩ tại hơn 78,5% số xã trong toàn quốc, y tế là ngành đầu tiên đã đưa cán bộ có trình độ đại học về nông thôn, tạo sự chuyển biến mới về y tế cơ sở. Nhờ đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được triển khai thường xuyên, rộng khắp.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 6 vừa qua, trả lời trong phiên chất vấn trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ để phát huy những thành tựu đạt được cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong đó, ngành y tế sẽ tiếp tục có các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho y tế tuyến xã cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính...Việc đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là giải pháp hữu hiệu nhất, tiết kiệm nhất mà là việc làm nhân văn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân:

"Cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng, chưa chuẩn. Vì vậy khi vừa rồi vừa thông tuyến thì tuyến huyện quá tải, còn tuyến xã thì dưới tải. Đây là sự thật. Bởi vì lên tuyến huyện thì họ nghĩ là được bác sĩ giỏi, rồi danh mục được hưởng lợi trong BHYT được hơn hẳn cả về danh mục thuốc, danh mục dịch vụ và được thanh toán nhiều hơn. Hơn nữa địa bàn đi lại dễ dàng. Về giải pháp cho ý tế cơ sở thì chúng tôi cũng đã họp với BHXH và các cơ sở ý tế thì cơ bản nhất vẫn là tăng cường ý tế cơ sở. Tăng cường cơ sở là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực và thu hút. Họ phải trở thành người gác cổng và gần dân nhất", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Y tế cơ sở được xem như là nền tảng xương sống của ngành y tế. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển y tế cơ sở cần được xem là chiến lược gắn liền với chăm sóc sức khỏe người nghèo và công cuộc xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, từ những vấn đề đang đặt ra cho thấy, việc quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn của các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền các địa phương cũng như chính mỗi người dân. Bởi chăm sóc y tế kịp thời nhất, hiệu quả nhất, nhân bản nhất vẫn phải là ngay từ cơ sở./

 

Theo VOV

.