Muốn xóa tiêu cực trong ngành y cần một cuộc "cách mạng" về quản trị
Cuộc chiến còn gian khổ, những người có tâm huyết có trách nhiệm cần đồng lòng để xóa bỏ tham nhũng, tiêu cực.
Dự kiến, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 sắp tới, một số vấn đề liên quan đến y tế được thảo luận, trong đó có đề án công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
GS BS Phạm Gia Khải, chuyên gia đầu ngành về tim mạch Việt Nam, thành viên Ban chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe Trung ương nhấn mạnh: “Hội nghị này rất quan trọng và các vấn đề liên quan đến việc nâng cao sức khỏe người dân được bàn thảo tại hội nghị cho thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này”.
Theo GS Phạm Gia Khải, một trong những vấn đề để nâng cao sức khỏe cho người dân là phải giải quyết triệt để những tiêu cực trong ngành y như vấn đề y đức, nạn thuốc giả, quản lý thuốc, thức ăn bẩn…
GS Phạm Gia Khải thẳng thắn phê phán hiện tượng này và khẳng định: “Chừng nào còn có hiện tượng này, chừng đó ngành Y tế không thể phát triển được. Tôi chắc rằng có rất nhiều người biết về những tiêu cực rất to lớn này, nhưng cũng không dám nói ra. Bây giờ rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị”.
Liên quan các vấn đề trên, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: ông thấy rất nhiều người dân bức xúc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương |
Ông Hoàng nhấn mạnh: “Tất nhiên, không thể phủ nhận sạch trơn, ngành Y tế đã làm được nhiều việc tốt, cũng có nhiều bác sĩ tốt, làm việc tận tâm. Thế nhưng bất ổn cũng rất nhiều, gây bức xúc cho người dân. Tôi nghĩ trách nhiệm chính trong vấn đề này, kể cả điều hành và tham mưu ra quy định của pháp luật về lĩnh vực này, là ngành y tế mà cụ thể và có vai trò chính là Bộ Y tế. Bộ không thể đứng ngoài cuộc, không có trách nhiệm được”.
Ông Hoàng cho rằng, những vấn đề trên đều liên quan đến công tác quản trị, cơ chế quản lý. Chúng ta phải đổi mới cách quản trị và công tác đào tạo để từ đó tác động đến công tác chuyên môn. Một ví dụ cụ thể là ở Việt Nam, nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa công khai bệnh án của bệnh nhân. Người dân và gia đình muốn biết bệnh án, bác sĩ đã chẩn đoán như thế nào, dùng thuốc gì, liều thuốc ra sao, chữa bệnh kiểu gì? Gia đình bệnh nhân cần biết, để hiểu tình hình, đồng thời cũng có ý nghĩa giám sát.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết, nhiều nơi khi người dân chuyển sang các bệnh viện khác, lấy hồ sơ bệnh án chuyển đi cũng rất khó khăn. Một khi trong quản trị bệnh án có nhiều khuất tất như chẩn đoán, kê đơn, chữa trị như thế nào không ai biết được, mù mờ không minh bạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến y đức của người thầy thuốc.
Hãy sửa điểm này đi, hãy công khai minh bạch bệnh án đi, nó sẽ tác động dây chuyền buộc phải thay đổi nhiều khâu khác theo hướng tốt lên. Có ý kiến nói với tôi là nếu minh bạch như vậy sợ bị kiện tụng nhiều. Sợ vậy có nghĩa là biện pháp ấy đúng rồi. Mà bệnh nhân và gia đình người ta có quyền được biết chứ sao lại không.
ÔngVũ Ngọc Hoàng đề xuất: Nếu chúng ta không thay đổi cách quản lý, cơ chế quản trị, kể cả quản lý vĩ mô lẫn quản lý cơ sở bệnh viện, thì ngân sách nhà nước cũng không giải quyết nổi. Chúng ta phải ưu tiên, tập trung giải quyết một số việc, một số bệnh viện phục vụ cho đối tượng nghèo. Bên cạnh đó là đẩy mạnh xã hội hóa.
“Tôi thấy một số bệnh viện đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động được tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị thêm được nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ bệnh nhân. Nếu như chúng ta không đẩy mạnh những việc này mà cứ trông chờ vào ngân sách nhà nước để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, cơ sở vật chất, trang thiết bị yếu kém thì ngân sách không giải quyết nổi, mặc dù ngân sách cũng phải tăng lên cho lĩnh vực y tế”- ông Hoàng nêu rõ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải sử dụng đồng tiền cho hợp lý, đấu thầu thuốc, mua thiết bị cần minh bạch, không để lợi ích nhóm xen vào.
“Quản trị một cơ sở y tế không phải cứ bác sĩ giỏi thì sẽ làm tốt. Nếu chúng ta để bác sĩ giỏi đi làm quản lý có khi mất một bác sĩ giỏi và được một vị quản lý kém. Cần phân biệt giữa quản lý chung một cơ sở chửa bệnh với quản lý chuyên môn. Trường học cũng vậy. Lâu nay nhiều trường hợp chọn 1 bác sĩ hoặc giáo viên giỏi lên làm quản lý giờ phải xem lại điều này.
Quản lý, quản trị là một nghề, khác với nghề mổ tim. Có những bàn tay vàng giống như nghệ sĩ, bác sĩ mổ rất giỏi, rất chuẩn. Căn cứ vào đó mà đưa lên làm Giám đốc Bệnh viện không phải như thế. Một ông thầy dạy toán giỏi chắc gì làm hiệu trưởng giỏi? Mà có được ông thầy giỏi, bác sĩ giỏi thì quý quá, sao lại làm mất đi. Ngược lại, có ông dạy toán không giỏi nhưng có thể quản lý giỏi, ấy là do sở trường của mỗi người”- ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, ngành y cũng như ngành khác muốn phát triển phải chú ý đến công tác đào tạo cũng như quản trị. Quản trị phải minh bạch, tránh tham nhũng, tránh được nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng./.
Theo VOV