Dấu mốc khi thông qua 2 Nghị quyết về lĩnh vực y tế

Thứ Năm, 12/10/2017, 10:32 [GMT+7]

Việc Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 thông qua 2 Nghị quyết về lĩnh vực y tế là đảm bảo bình đẳng cho người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ y tế.
 
Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 vừa bế mạc đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có 2 Nghị quyết về lĩnh vực y tế. Đó là Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới.

Với quan điểm, sức khỏe là vốn quý nhất của con người và của toàn xã hội. Đầu tư bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư phát triển.

Đề án về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Bộ Y tế đã nêu rõ mục tiêu: Nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập.
 

1
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã xây dựng Đề án đổi mới y tế cơ sở.


Giáo sư Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho rằng, mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân trong Đề án là cơ sở để người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe và được đảm bảo bình đẳng trong việc thụ hưởng các dịch vụ y tế.

“Tôi thấy việc bao phủ bảo hiểm y tế ở nước ta đang được thực hiện rất tốt. Tôi đã đi nhiều nước và thấy, một số nước trong khu vực bảo hiểm y tế không được mở rộng, nhiều người nghèo khi vào bệnh viện mà không có tiền thì chỉ còn biết nằm chờ chết... Theo tôi Nghị quyết đưa ra những vấn đề sát với thực tế như vậy sẽ dễ đi vào cuộc sống”, Giáo sư Gia Khải nói.

Về những giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Y tế cho biết sẽ tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Trong đó, phát triển hệ thống khám chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố bên cạnh một số bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.

Ban hành tiêu chí đánh giá, kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng, thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Bên cạnh đó, đổi mới y tế cơ sở, thực hiện mô hình bác sỹ gia đình, thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử cho từng người dân.
 

1
Cần đầu tư nhiều hơn cho thế hệ tương lai, nguồn nhân lực chất lượng cao.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Trong Đề án trình Trung ương có một nội dung quan trọng là nâng cao sức khỏe cộng đồng và Bộ đã xây dựng Đề án tăng cường y tế cơ sở với mạng lưới phòng khám y học gia đình gắn với các trạm y tế xã, phường, các phòng y tế tư nhân. Đây cũng là cách để các bác sỹ tuyến trên tập trung thời gian, triển khai những kỹ thuật cao, hội nhập với quốc tế, thay vì phải thực hiện các kỹ thuật dịch vụ mà các tuyến dưới, phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình có thể giải quyết được".

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường nghĩa là cơ sở y tế phải tự chủ hoạch toán nguồn thu, nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa là phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết để người dân được sống khỏe, sống có chất lượng”.

Một đề án nữa được Bộ Y tế trình tại Hội nghị Trung ương 6 là công tác dân số trong tình hình mới, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, từ năm 2006, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng”, tức là lực lượng lao động trẻ chiếm phần lớn dân số.

Tuy nhiên, đến năm 2011, Việt Nam lại bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người già chiếm hơn 10% dân số.
 

1
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội


Dự báo đến năm 2038, tỷ lệ này là hơn 20% và đến 2050, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 1/4 dân số, giống như Nhật Bản hiện nay.

Trong khi đó, 12 năm qua, nước ta luôn đạt mức sinh thay thế, tức là mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con.

Thế nhưng chất lượng dân số không đều dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp, với tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 20%.

Trước bối cảnh thời kỳ dân số vàng sắp kết thúc và chuyển hẳn sang giai đoạn già hóa dân số, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển sẽ gắn công tác dân số với quá trình phát triển đất nước.

 “Với mục tiêu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và ra khu vực, đó chính là một trong những yêu cầu mà chúng ta phải thay đổi trọng tâm của công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết này, chính là một trong những điều kiện để đất nước chúng ta phát triển, nâng cao chất lượng, cơ cấu dân số, tạo cơ hội để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để chúng ta đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững của đất nước”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
 

1
Nguồn nhân lực dồi dào nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật còn chưa cao


Trong Đề án về công tác dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Một trong những giải pháp quan trọng là đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác dân số, chuyển mạnh từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bổ dân số.

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt. Ngăn ngừa tư tưởng không hạn chế số con.

Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng giải pháp này là phù hợp với tình hình hiện nay.

 “Hiện nay, điều kiện kinh tế, xã hội là yếu tố lớn nhất để thay đổi quan điểm của các gia đình về việc sinh con. Ở Việt Nam đang có xu hướng rất giống Hàn Quốc là khi chi phí cho cuộc sống ngày càng cao lên, người dân thấy rằng: cần sinh ít con hơn để đầu tư cho con hiệu quả hơn, tốt hơn, thay vì sinh rất nhiều con, chi phí rất lớn. Bài học từ Hàn Quốc cho thấy cần xây dựng hệ thống về giáo dục và y tế tốt hơn để người dân có cuộc sống tốt hơn. Thứ 2 là hệ thống an sinh xã hội, trong đó có vấn đề hưu trí, trợ giúp xã hội để người dân thấy rằng để đảm bảo rằng khi về già, dù ít con nhưng vẫn đảm bảo an sinh và từ đó sẽ thay đổi nhận thức của người dân”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Giang Thanh Long nêu ý kiến.

Để 2 Nghị quyết mới về y tế của Đảng cũng như 2 đề án của Bộ Y tế được thực hiện có hiệu quả, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của ngành Y tế mà cả hệ thống chính trị. Trong đó các ngành, địa phương cần đưa mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng như môi trường, thể dục thể thao vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Còn về công tác dân số, cần đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc thực hiện chủ trương mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội./.

 

Theo VOV

.