Hiệu quả việc triển khai bệnh án điện tử
Bệnh án điện tử đã được áp dụng tại một số bệnh viện ở Việt Nam, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.
Cuốn sổ y bạ là thứ gắn liền với bất cứ người dân nào mỗi khi đến khám tại các cơ sở y tế. Nhưng hiện nay, cuốn sổ ấy đã được thay thế bằng những "bệnh án điện tử", nghĩa là mọi thông tin sức khỏe của người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi đều được số hóa lưu giữ đầy đủ. Xu hướng của nhiều nước phát triển trên thế giới nay cũng đã được áp dụng tại một số bệnh viện ở Việt Nam, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.
Tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM, hơn 2 năm qua, hàng ngày, các bác sĩ đã không còn ôm những tập bệnh án dày, nặng mỗi khi hội chẩn. Bằng việc trang bị máy tính bảng kết nối Internet, mọi thông tin về người bệnh được tra cứu đơn giản, thuận tiện. Người bệnh rút ngắn được thời gian điều trị, còn các bác sĩ tăng hiệu suất khám chữa bệnh.
Hơn 2 năm triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện quận Thủ Đức đã hạn chế sai sót ở mức thấp nhất trong việc kê khai thuốc, vật tư y tế và xét nghiệm. Nhờ đó, dù chỉ là một bệnh viện khu vực nhưng mỗi ngày, bệnh viện này thu hút trên 5.000 lượt người dân tới khám chữa bệnh và điều trị 800 bệnh nhân nội trú.
Hiện, cả nước có 6 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đã triển khai bệnh án điện tử. Dự kiến vào năm 2018 sẽ có 39 bệnh viện tuyến Trung ương sẽ triển khai số hóa hồ sơ bệnh án. Từ bệnh án điện tử, số lượt bệnh nhân và thời gian khám tại từng khoa phòng của bệnh viện quận Thủ Đức liên tục được cập nhật.
Mô hình bệnh viện thông minh với việc mỗi người dân có 1 hồ sơ bệnh án điện tử sẽ không còn xa bởi tới năm 2020, các cơ sở y tế sẽ kết nối lưu trữ bệnh án điện tử của toàn bộ người Việt.
Theo VTV