Hà Nội lo ngại sốt xuất huyết gia tăng khi sinh viên nhập học
Khoảng 1 triệu sinh viên sinh hoạt ở những nơi điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt chính là nguy cơ làm gia tăng sốt xuất huyết.
Chiều 5/9, tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin mới nhất về diễn biến dịch sốt xuất huyết (SXH).
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. |
Thông tin về tình hình dịch SXH trên địa bàn, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần từ 28/8 đến ngày 3/9 Hà Nội ghi nhận 2.605 trường hợp mắc mới, giảm 307 trường hợp so với tuần trước và giảm 973 trường hợp so với tuần cao điểm từ ngày 6/8 đến ngày 13/8.
Cũng theo ông Hạnh, tích luỹ từ đầu năm đến nay toàn TP ghi nhận 24.264 trường hợp mắc SXH, 7 ca tử vong; đến nay đã có hơn 3.000 ổ dịch đã được khống chế. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, dù tình hình dịch có dấu hiệu chững lại, nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan bởi hiện diễn biến thời tiết và thời điểm học sinh bắt đầu năm học mới, sinh viên các trường trở lại Thủ đô nhập học dẫn đến nguy cơ dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp, số mắc gia tăng.
Về giải pháp phòng dịch, Phó giám đốc sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho rằng, tuyên truyền vẫn là biện pháp số một và diệt bọ gậy là nhiệm vụ chính. Để đạt hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, TP cũng tính đến biện pháp huy động sinh viên tham gia đội xung kích diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường… Về kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch SXH, ông Hạnh cho biết, tính từ đầu năm đến nay, kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch SXH là khoảng hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sở tiếp tục đề xuất thêm để mua máy móc và bồi dưỡng cho lực lượng xung kích.
Theo ông Hạnh, trong việc phun thuốc diệt muỗi chống bọ gậy ngành Y tế phối hợp với các xã, phường, địa phương và việc phun thuốc là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu phun thuốc, có thể bỏ tiền thuê một số công ty đã được chứng nhận để phun.
Trước phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng về việc có một số đối tượng giả danh cán bộ dịch tễ phun thuốc muỗi để thu tiền, ông Hạnh thông tin, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương cảnh giác, nếu phát hiện sẽ xử lý, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng của TP nếu phát hiện thuốc giả phải xử lý nghiêm.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Văn Phong -Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, đây chưa phải là thời điểm đỉnh của dịch (đỉnh dịch tháng 9-10), diễn biễn thời tiết còn hết sức phức tạp có khả năng tiếp tục có mưa là điều kiện lý tưởng để bọ gậy, muỗi phát triển.
Hà Nội bắt đầu từ hôm nay, 1,8 triệu học sinh tựu trường và 1 triệu sinh viên trở lại Hà Nội nhập học. Đây chính là những đối tượng rất đáng lo ngại dễ bị mắc SXH.
“Do đặc tính loại muỗi gây SXH chủ yếu chỉ đốt vào ban ngày với số lượng đông người như vậy, nhất là với sinh viên ở ký túc xá chỉ đáp ứng 10-15% nhu cầu còn lại là ở trọ, trong khi sinh viên do nhiều điều kiện khó khăn nên ở những nơi về điều kiện vệ sinh môi trường cũng chưa thực sự là tốt. Đây có thể chính là nguy cơ làm gia tăng tiếp tục SXH. Chính vì thế cần phải tập trung cho công tác tuyên truyền mạnh mẽ quyết liệt hơn”, ông Phong nói.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cũng cho rằng vấn đề nhận thức về phòng chống dịch bệnh SXH của 1 số bộ phận người dân còn yếu kém. “TP vẫn còn khoảng 10% số hộ đóng cửa không hợp tác phun thuốc diệt muỗi hay chỉ cho phun thuốc tầng 1, các tầng còn lại không cho phun. Bên cạnh đó ý thức diệt bọ gậy của người dân và một số cán bộ cấp xã, phường vẫn chưa cao. Do vậy để công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao TP cần biểu dương những người làm tốt công tác phòng dịch và nêu tên những người chống đối, chưa hợp tác chống dịch”, ông Phong nêu./.
Theo VOV