6 câu hỏi thường gặp về các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bài viết sau đây có thể giúp các bạn giải đáp những thắc mắc thường gặp nhất về các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Liệu có phải tất cả các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ được phát hiện chỉ bằng một loại xét nghiệm hay không? Các bác sĩ phụ khoa sẽ giúp bạn gỡ rối những thắc mắc thường gặp vô cùng tế nhị này.
Tần suất kiểm tra định kỳ là bao lâu?
Thực tế, cả bạn và "đối tác" đều nên kiểm tra trước khi có ý định gần gũi. Phần lớn chúng ta đều bỏ quên hoặc ngại ngần khi đặt câu hỏi với đối phương rằng liệu họ có hoàn toàn kiểm soát và nắm rõ tình trạng sức khoẻ của mình.
Chỉ một xét nghiệm có thể "chỉ điểm" được tất cả bệnh lây truyền qua đường tình dục?
Không có một xét nghiệm nào có thể xác định được chính xác tất cả các bệnh này. Mẫu xét nghiệm thường bao gồm máu, nước tiểu để kiểm tra HIV, lậu, giang mai, chlamydia, viêm gan siêu vi B, C. Ngoài ra nếu vấn đề của bạn là mụn rộp. rận mu…, bạn hãy trao đổi với bác sỹ để được làm thêm các xét nghiệm.
Các xét nghiệm luôn có kết quả chính xác?
Tỉ lệ 100% chính xác là không thể bởi lẽ điều này còn phụ thuộc vào từng loại bệnh mà bạn muốn kiểm tra và loại xét nghiệm mà bạn sử dụng. Ví dụ: xét nghiệm virus herpes sinh dục qua mẫu máu thường có kết quả sai. Kết quả âm tính giả thường xảy ra với những bệnh nhân làm xét nghiệm sau khi điều trị mụn rộp sinh dục và dương tính giả thì xuất hiện ở những người có kháng thể herpes thấp. Cách để xác định chính xác nhất với herpes là sử dụng tăm bông quét trực tiếp lên tổn thương và kiểm tra tế bào thu được.
Vì sao xét nghiệm HIV và herpes sinh dục không được đưa vào danh sách những xét nghiệm thường quy trong các gói khám sức khoẻ tổng quát hàng năm?
HIV thường được xét nghiệm sàng lọc hàng 5 năm với những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh này hoặc khi bạn yêu cầu. Đối với xét nghiệm herpes, nếu chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào thì việc xét nghiệm qua mẫu máu có thể cho kết quả sai và khiến người bệnh lo lắng quá mức. Các bác sĩ sẽ điều chỉnh tất cả các xét nghiệm cho từng bệnh nhân cụ thể dựa trên các điều kiện đã có và các chẩn đoán trước đây. Bạn hoàn toàn có thể đề nghị bác sỹ làm thêm các xét nghiệm khác nếu cảm thấy cần thiết.
Có cần thiết phải kiểm tra nếu như bạn không hề thay đổi hay có thêm "đối tác" từ lần kiểm tra trước?
Điều này tuỳ thuộc ở bạn. Bạn có thể chắc chắn về bản thân mình, tuy nhiên khi bạn không tin tưởng ở bạn tình của mình, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn.
Những bệnh lây qua đường tình dục thường có thời kỳ ủ bệnh trước khi có những triệu chứng bên ngoài. Bạn có thể vô tình tiếp xúc trực tiếp với những tổn thương của người bệnh mà không hề hay biết. Ví dụ bạn có thể bị lây giang mai nếu như bạn tiếp xúc với người bệnh đã có lở loét ngoài da khi bạn đang có vết thương hở. Vì thế, ngay cả khi không có "đối tác" mới và hoàn toàn tin tưởng vào sự chung thuỷ của bạn tình, hãy lập tức đến gặp bác sĩ nếu như có xuất hiện thương tổn hoặc những dấu hiệu khác lạ của cơ thể.
Làm thế nào để nói với "đối tác" nếu bạn mắc một căn bệnh tế nhị?
Điều quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ là sự trung thực. Không có gì đáng xấu hổ khi bạn mắc bệnh. Nếu như " đối tác" của bạn khiến bạn thấy e ngại thì có lẽ người ấy không đáng để bạn lãng phí thời gian đâu.
Luôn sử dụng bao cao su, thường xuyên kiểm tra sức khoẻ và trung thực với "đối tác" là những biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.
Theo VTV