Vì sao thí sinh ngành y không mặn mà với "cấp cứu trước bệnh viện"?
BS Nguyễn Thành: “Những năm trở lại đây, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn thừa chỉ tiêu biên chế, tuyển nhưng không ai muốn vào”.
"Cấp cứu trước bệnh viện" là giai đoạn đầu tiên mà người dân tiếp xúc với y tế. Nó có vai trò quan trọng vì bệnh nhân cần đến viện sớm, phải được điều trị ngay trên đường đến bệnh viện bởi nếu để quá muộn thì việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn hoặc để lại hậu quả lớn, kể cả bảo toàn được tính mạng.
Cấp cứu 115 tham gia cứu người trong vụ sập nhà ở 43 Cửa Bắc, Hà Nội hồi tháng 8/2016 |
Không ai muốn vào cấp cứu 115
Theo BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, nếu tính từ thời điểm bệnh nhân được cấp cứu sẽ có 1 dây chuyền liên kết với nhau nhằm phục vụ người bệnh như: Cấp cứu trước bệnh viện, cấp cứu tại bệnh viện, hồi sức tích cực, sau hồi sức tích cực; phục hồi chức năng và các khoa lâm sàng khác.
Tuy là một khâu quan trọng trong quá trình phục vụ người bệnh, nhưng hiện nay, cấp cứu trước bệnh viện vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu phương tiện hiện đại đồng thời sự hiểu biết của xã hội và thậm chí của nhiều y bác sĩ, chưa toàn diện. Rất ít lực lượng bác sĩ điều dưỡng muốn tham gia vào công việc này vì rất vất vả, phải đối diện với nhiều thử thách trên đường, thời gian đi xe nhiều, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp hạn chế.
Phân tích điều này, BS Thành cho biết, các bác sĩ ra trường đều muốn được làm ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân để phát triển nghề nghiệp cũng như tiếp tục học tập nâng cao. Chính vì vậy, họ không thích lĩnh vực cấp cứu trước bệnh viện vốn là một chuyên ngành y học mới ở Việt Nam
BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mong muốn có một chuyên ngành về cấp cứu trước bệnh viện. |
BS Nguyễn Thành chia sẻ: “Những năm trở lại đây, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn thừa biên chế, tuyển nhưng không ai muốn vào, hiện chúng tôi thừa 17 chỉ tiêu biên chế. Đó là khó khăn về nhân lực.
Khó khăn thứ hai là thông tin liên lạc và hạ tầng phục vụ thông tin liên lạc để trao đổi thông tin về tình trạng bệnh nhân giữa trung tâm điều phối với các xe cấp cứu chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thiết bị thông tin hiện nay rất sơ sài, trước đây có radio được Nhật Bản tài trợ năm 1999 nhưng giờ đã cũ, hỏng. Hiện nay, Trung tâm không xây dựng hay thuê được trạm phát sóng để liên kết được các xe hay các trạm điều phối thông tin cấp cứu do thiếu nguồn kinh phí thuê các cột trạm phát sóng.
Để phục vụ liên lạc, chúng tôi đang sử dụng điện thoại di động hoặc điện thoại bàn, điện thoại di động là phương tiện cá nhân nên đôi khi còn gặp vướng mắc trong giải quyết việc công.
Khó khăn thứ 3 là thiếu xe cấp cứu. Hà Nội chỉ có hơn 20 xe cấp cứu. Dân số Hà Nội đông, nếu theo tiêu chuẩn WHO phải có từ 100 đến 150 xe cấp cứu mới đủ. Như vậy, chúng tôi mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu cấp cứu của người dân Hà Nội. Xe đã thiếu, trang thiết bị cấp cứu trên xe cũng đã cũ và xuống cấp, tần suất sử dụng lớn nên xe hỏng liên tục.
Trung tâm cấp cứu 115 luôn trong tình trạng thiếu biên chế. |
Nói về hệ thống xe cấp cứu, BS Thành cho biết, hiện nay tồn tại 3 hệ thống xe cấp cứu. Hệ thống thứ nhất là xe cấp cứu của mỗi bệnh viện, nhưng chỉ là vận chuyển riêng cho bệnh viện của họ, hoặc khi có chỉ đạo mới vận chuyển ngoài.
Hệ thống thứ 2 là xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, phụ trách chính về mảng cấp cứu trước bệnh viện, nhưng lại rất mỏng.
Hệ thống thứ 3 là xe cấp cứu tư nhân: nhân lực không được đào tạo về cấp cứu trước bệnh viện. Chủ yếu phục vụ vận chuyển bệnh nhân nặng về nhà có thu phí.
Theo BS Thành, BHYT chưa chi trả cho cấp cứu trước bệnh viện. Có đến 30% số chuyến xe đi cấp cứu chúng tôi không thu được tiền, thường là do bệnh nhân gặp tai nạn thương tích bất ngờ không có người nhà.
Theo quy định mỗi chuyến xe cấp cứu bệnh nhân chỉ được thu 120.000 đồng, số kinh phí này không đủ bù đắp được chi phí thuốc men, vật tư cấp cứu, đặc biệt là những trường hợp cấp cứu bệnh nhân nặng.
Nên dùng xe mô tô để cấp cứu, chuyên nghiệp như các nước trên thế giới
BS Thành cho biết, phương án này đã được đề cập từ năm 2009 và được JICA của Nhật Bản tài trợ nhưng không thành công do chưa làm tốt khâu thông tin tuyên truyền tới cộng đồng nên người dân chưa hiểu và không chấp nhận sử dụng.
“Chúng ta không những nên dùng các phương tiện như ô tô cấp cứu, mô tô cấp cứu, mà cần tính đến việc sử dụng cả xe đạp cấp cứu, phương tiện bay cấp cứu. Tôi thấy xe mô tô cấp cứu rất phù hợp với điều kiện giao thông ở nước ta. Tuy nhiên, có triển khai được hay không cần có sự vào cuộc không chỉ của ngành Y tế mà cả cơ quan quản lý, cả cộng đồng và cả hệ thống”- BS Thành nói.
Cấp thiết đào tạo bổ sung lực lượng y bác sĩ
BS Nguyễn Thành cho biết: Xu hướng trên thế giới hiện nay, cấp cứu trước bệnh viện phát triển thành chuyên ngành y học mới, họ có cả trường đào tạo cấp cứu trước bệnh viện nhưng ở Việt Nam chưa có.
Ở Việt Nam, để đào tạo ngành này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trước hết là chưa có giáo trình chính thống để đào tạo. Hiện tại, chúng ta chỉ đào tạo cho tình nguyện viên, điều dưỡng, bác sĩ ở cơ sở và đội ngũ như chúng tôi chứ chưa lan tỏa thành hệ thống rộng. Cả nước cũng có một số cơ sở đào tạo nhưng chưa có sự kết nối, mỗi nơi đào tạo một kiểu.
Từng có nhiều năm làm Trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, BS Nguyễn Thành mong muốn lĩnh vực cấp cứu trước bệnh viện ở Hà Nội phát triển để cấp cứu bệnh nhân (việc cấp cứu bệnh nhân kịp thời sẽ giảm hạn chế di chứng để lại).
"Mỗi bác sĩ phải thực hiện công việc này như một nghĩa vụ, phải khai sinh một chuyên ngành mới là cấp cứu trước bệnh viện với đầy đủ hệ thống sách giáo khoa, trường lớp, có mã ngành đào tạo"- BS Thành đề nghị./.
Theo VOV