Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Điện Biên TV - Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đã có 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 19 người chết do dịch bệnh.
Cả nước hiện có 10 điểm nóng dịch sốt xuất huyết là Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai, Sóc Trăng, TPHCM và Hà Nội. Tính đến hôm nay, cả nước có hơn 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 người chết .
Tại khu vực phía Bắc thì Hà Nội là một điểm nóng của dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2017 (đặc biệt gia tăng từ tháng 5) toàn thành phố Hà Nội đã có xấp xỉ 8.000 người mắc SXH, trong đó 5 ca tử vong. Các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đang quá tải người bệnh sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết |
Hà Nội là một vùng trọng điểm về sốt xuất huyết Dengue của miền bắc, hàng năm có hàng ngàn đến chục ngàn ca bệnh. Các ca bệnh chủ yếu tập chung ở các khu vực nội thành và những năm gần đây có xu hướng lan ra ngoại thành; các ca bệnh xuất hiện nhiều tại các khu vực dân cư có nhiều nhà cho thuê trọ, khu ký túc xá sinh viên, khu vực thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém, nhiều hố nước đọng và phế thải hoặc khu công trường đang xây dựng dở dang
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây nên. Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi có tên là Aedes aegypti thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà. Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao nhất vào tháng 7,8,9,10. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc sốt xuất huyết. Vòng đời của muỗi vằn trải qua 4 giai đoạn : trứng, bọ gậy ,lăng quăng, muỗi trưởng thành.
Khi bị mắc bệnh sốt xuất huyết người bệnh có biểu hiện: Sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo với các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các cơ, khớp, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn. Đặc biệt người bệnh có hoặc không có ban đỏ, xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, tiểu ít, nôn ra máu, đi ngoài phân đen...
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được.
Trước tình hình dịch bệnh sảy ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản chỉ đạo về phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về dịch bệnh cho người dân, hướng dẫn để người dân nâng cao nhận thức về dịch bệnh, có biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ngành y tế cùng phối hợp với cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ. Phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp; phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng. Phát hiện sớm điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để bùng phát thành dịch lớn, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh trên địa bàn.
Hương Trà