Những lưu ý khi điều trị bệnh sốt xuất huyết

Thứ Bảy, 12/08/2017, 09:08 [GMT+7]

Con số thống kê mới nhất cho thấy Hà Nội đang đứng thứ 2 cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết với trên 13.000 ca mắc và đã có 5 ca tử vong.

1


Hiện tại, sốt xuất huyết chưa có vaccine và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chăm sóc đúng cách cho người bị sốt xuất huyết vô cùng quan trọng.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết cần được lưu ý:

- Bệnh nhân nên ăn các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, không nên ăn đồ ăn quá nóng; bù nước rất quan trọng, uống nước Oresol, nước đun sôi để nguội, sữa, nước trái cây từ 1 - 2,5 lít/ngày tùy độ tuổi.

- Người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng.

- Hạn chế vận động, đi lại nhẹ nhàng để tránh bị xuất huyết nội tạng.

- Thuốc hạ sốt an toàn nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết là Paracetamol dạng đơn độc, liều dùng tùy theo lứa tuổi.

- Việc dùng kháng sinh với bệnh nhân sốt xuất huyết là điều hoàn toàn không cần thiết. Dùng kháng sinh không đúng cách ở bệnh nhân sốt xuất huyết thậm chí có thể làm tăng độc tính trên gan, thận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng người bệnh.

- Không nên cạo gió cho bệnh nhân theo phương pháp dân gian vì cạo gió dùng lực và dầu nóng làm tổn thương cơ và giãn mạch sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, do có thể làm cho tình trạng xuất huyết nghiêm trọng hơn.

Lưu ý, từ ngày thứ 4 đến ngày 6 của bệnh, khi bệnh nhân đã hạ sốt, thường mọi người sẽ chủ quan nhưng đây lại là thời điểm nguy hiểm dễ xảy ra biến chứng sốc, đó là tình trạng giảm tiểu cầu máu gây xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết trong nội tạng rất nguy hiểm. Nếu để tình trạng sốc kéo dài có thể gây suy đa phủ tạng, dễ dẫn đến tử vong.

 

Theo VTV

.