Một nửa số người nhiễm HIV chưa tiếp cận bảo hiểm y tế
“Đối với việc sử dụng BHYT qua thẻ, hiện nay người có H rất ngần ngại tiếp cận các dịch vụ thông qua BHYT vì phần lớn họ sợ lộ danh tính”
Hiện nay cả nước có khoảng 116.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó, tỉ lệ bệnh nhân tham gia điều trị HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới đạt khoảng 50%. Nhiều ý kiến lo ngại, việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS có thể bị gián đoạn bởi nguồn lực tài trợ kinh phí cho việc điều trị HIV/AIDS đang cắt giảm trong khi phần lớn nhóm đối tượng này chưa tham gia BHYT.
Tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị HIV/AIDS có thẻ BHYT mới đạt khoảng 50%. |
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Từ trước tới nay, chi phí điều trị kháng virus và các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV đều từ nguồn tài trợ quốc tế.
Tuy nhiên, từ năm 2017, các nhà tài trợ giảm dần và sau năm 2018 thì gần như sẽ ngừng tài trợ cho điều trị và dự phòng HIV ở Việt Nam. Khi các nguồn tài trợ không còn nữa thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả những chi phí của thuốc ARV theo quy định.
Tính đến nay đã có hơn 80% cơ sở điều trị HIV/AIDS thuộc bệnh viện và trung tâm y tế ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm y tế. Một số cơ sở điều trị HIV/AIDS hoạt động theo dự án, khi chuyển sang khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh HIV/AIDS mới đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế.
Người bệnh nhiễm HIV trước đây được dự án, tổ chức quốc tế hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, khi nguồn tài trợ bị cắt giảm, nếu muốn được thanh toán từ Quỹ bảo hiểm y tế thì phải tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, người nhiễm HIV thường khó khăn về tài chính nên không có khả năng mua thẻ bảo hiểm y tế thường xuyên và đầy đủ.
Một bệnh nhân nhiễm HIV ở Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương, Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù có quyết định 2188 của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ các đối tượng có H có thể mua được thẻ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này còn rất nhiều người có H chưa được hưởng lợi từ quyết định này. Đối với việc sử dụng BHYT qua thẻ, hiện nay người có H rất ngần ngại tiếp cận các dịch vụ thông qua BHYT vì phần lớn họ sợ lộ danh tính”.
Để tăng độ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang rà soát nhu cầu bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu chuyển đổi nguồn lực.
Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho rằng, để duy trì độ bao phủ bệnh nhân đang điều trị ARV khi nguồn thuốc quốc tế tài trợ bị cắt giảm là một thách thức lớn: “Khi các nhà tài trợ không cung cấp thuốc ARV nữa thì sẽ xuất hiện tình trạng ngừng điều trị, ngừng sử dụng thuốc. Nếu ngừng thuốc thì không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng lớn đến cả cộng đồng. Chúng tôi cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân sẽ cùng vận động chính sách để ngân sách nhà nước mua BHYT cho những người nhiễm HIV”.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT của người nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn còn thấp. Nhiều người nhiễm HIV do kinh tế khó khăn nên không có khả năng điều trị. Chi phí điều trị HIV/AIDS cho một bệnh nhân rất khác nhau, nếu chỉ tính chi phí thuốc ARV với phác đồ điều trị phổ biến nhất (phác đồ bậc 1) thì tiền thuốc khoảng gần 4 triệu đồng/người/năm. Nếu người bệnh kháng thuốc phải sử dụng phác đồ cao hơn, chi phí cho thuốc ARV đắt hơn gấp nhiều lần.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, để bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS, cần sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị kháng virus (ARV).
Hiện BHXH Việt Nam đã cùng Bộ Y tế xây dựng thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV, bắt đầu chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT từ tháng 7/2017. Tuy nhiên, việc làm thế nào để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận với dịch vụ BHYT là câu chuyện chung của cả 2 ngành BHXH và Y tế cũng như xã hội.
Bộ Y tế cũng khẳng định, sẽ tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV/AIDS được mua thẻ BHYT. Theo quy định, người tham gia BHYT có quyền không cung cấp thông tin mắc bệnh gì khi mua thẻ BHYT./.
Theo VOV