Hàng trăm nghìn bệnh nhân viêm gan C không có điều kiện chữa bệnh

Thứ Ba, 08/08/2017, 09:46 [GMT+7]

Giá thành thuốc điều trị viêm gan C quá cao và vẫn chưa được đưa vào BHYT, khiến cho người bệnh không có khả năng tiếp cận điều trị.
 
Tại Việt Nam, khoảng gần 1 triệu người mắc viêm gan C mạn tính. Viêm gan C là một bệnh thầm lặng nhưng để lại những hậu quả rất nặng nề, tuy vậy, bệnh viêm gan C còn ít được quan tâm. Ở nước ta, hiện nay có hàng trăm nghìn người không có khả năng điều trị do chi phí quá cao.

Theo khảo sát của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, chỉ có 10% người bệnh có thể chi trả cho liệu trình điều trị này, còn lại thì...sống chung với lũ.
 

1
Tại Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người mắc viêm gan C mạn tính.


PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng rất may mắn, bệnh có thể được chữa khỏi bằng thuốc. Điều trị viêm gan C không chỉ ngăn chặn bệnh tiến triển thành xơ gan và ung thư gan mà còn làm giảm số người mang virus trong nước và giảm nguy cơ lây truyền viêm gan C cho người khác.

Hiện nay, thế hệ thuốc mới điều trị Viêm gan C có tên viết tắt là DAA (kháng virus trực tiếp) đã được Bộ Y tế cho phép áp dụng điều trị tại Việt Nam, và đã chứng minh có kết quả tốt có tỷ lệ điều trị khỏi lên đến hơn 90%, ít tác dụng phụ và thời gian điều trị cho đa số bệnh nhân chỉ còn 3 tháng.

Tuy nhiên, loại thuốc này có giá thành ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân và các thuốc này cũng chưa nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả nên chỉ rất ít người có thể được điều trị bằng các thuốc mới này. Theo số liệu từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình chi phí cho 1 lộ trình điều trị 3 tháng là khoảng 45 triệu đồng.

Trong khi đó, theo khảo sát bằng bộ câu hỏi phóng vấn trên 300 bệnh nhân viêm gan virus C năm 2014 của Bệnh viện này, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có  khoảng 10% bệnh nhân viêm gan C sẵn sàng chi trả trên 10 triệu đồng/ tháng cho điều trị, điều đó có nghĩa là 90% bệnh nhân không có khả năng tiếp cận điều trị.

“Tôi được chẩn đoán viêm gan C từ mấy năm trước, đến giờ xơ gan cấp độ 3 rồi, nhưng bây giờ chỉ mua thuốc lá uống cho mát gan thôi. Tôi là lao động tự do, đi làm thuê kiếm ăn từng bữa, lấy đâu ra mấy chục triệu để điều trị” – anh Nguyễn Tiến Long (quê Phú Thọ) chia sẻ.

Do thuốc điều trị quá đắt đỏ nên hiện có tình trạng một số người bệnh tìm mua thuốc “xách tay” nhưng nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không được kiểm soát và nguy cơ cao là thuốc giả, không có tác dụng điều trị khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Bên cạnh giá thành quá cao, một thách thức nữa người bệnh phải đối mặt là tình trạng kháng thuốc tăng nếu người bệnh kém tuân thủ, điều trị không theo phác đồ của bác sĩ.

Theo ý kiến của đại diện Vụ BHYT – Bộ Y tế trong hội thảo đã diễn ra do Cục Y tế Dự phòng tổ chức, các thuốc DAA sẽ được đưa vào danh mục thuốc được BHYT chi trả. Tuy nhiên, chưa rõ tỷ lệ chi trả là bao nhiêu phần trăm. Tỷ lệ này cũng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào giá thuốc hiện tại bởi giá thuốc càng cao thì tỷ lệ chi trả càng thấp./.

Virus viêm gan C được phát hiện năm 1989, là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên. Đây là một bệnh lây truyền từ người mang HCV sang cho người lành theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh. Tuy vậy, nguy cơ lây nhiễm theo đường tình dục hiếm hơn bệnh viêm gan B. Hiện tượng mẹ truyền virus viêm gan C cho con đã có ghi nhận nhưng tỷ lệ không cao. Căn bệnh này chủ yếu là qua đường máu và khả năng lây nhiễm của virus viêm gan C cao hơn nhiều lần so với HIV.

Khoảng 55 - 85% người nhiễm virus viêm gan C sẽ tiến triển thành viêm gan C mạn tính. Bệnh ít có biểu hiện ra ngoài nên rất nhiều người không biết mình mắc bệnh nếu không đi xét nghiệm.

 

Theo VOV
 

.