Hàng trăm bác sĩ ở Đồng Nai "bỏ" bệnh viện công vì thu nhập

Thứ Hai, 21/08/2017, 09:17 [GMT+7]

Từ năm ngoái đến năm nay, tỉnh Đồng Nai chứng kiến hàng trăm bác sĩ rời khỏi bệnh viện công lập.
 
Trong đó có những bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, giữ các chức vụ quan trọng như trưởng hoặc phó khoa. Xu hướng này có vẻ như vẫn chưa dừng lại khi nửa đầu năm nay Đồng Nai tiếp tục có thêm các trường hợp xin rút khỏi bệnh viện công. Liệu tình trạng này có tiếp tục diễn ra trong thời gian tới và có ảnh hưởng tới các vấn đề an sinh xã hội?!.
 

1
Có nhiều lý do khiến bác sĩ rời bệnh viện nhà nước, nhưng chủ yếu là vì thu nhập. (Ảnh minh họa)


Ra đi vì thu nhập

Theo con số của Sở Y tế Đồng Nai đưa ra: năm 2016, địa phương này có 65 bác sĩ xin rút khỏi các bệnh viện công lập. 6 tháng đầu năm 2017, tiếp tục có thêm 38 bác sĩ có đơn xin nghỉ việc. Trong tổng số bác sĩ xin nghỉ có 16 bác sĩ chuyên khoa 1, một số còn là trưởng hoặc phó khoa.

Có nhiều lý do khiến bác sĩ rời bệnh viện nhà nước, nhưng chủ yếu là vì thu nhập. Ở bệnh viện công lập, một bác sĩ trẻ thu nhập chỉ 7 đến 8 triệu đồng, còn bác sĩ có bề dày công tác có thể đạt mức 15 đến 20 triệu mỗi tháng. Nếu ra làm cho bệnh viện tư, thu nhập hàng tháng có thể lên tới vài chục, thậm chí là hàng trăm triệu. Đồng Nai cũng đã ghi nhận các trường hợp bác sĩ sẵn sàng “nộp phạt” cho tỉnh bởi trước đó, các bác sĩ này đã được địa phương cấp kinh phí đào tạo theo chính sách thu hút nguồn nhân lực ngành y tế, chưa kể, các cơ sở y tế tư nhân cũng không ngại “ứng” tiền nộp phạt để kéo người về.

Sở Y tế Đồng Nai khẳng định, việc nhiều bác sĩ, trong đó có các bác sĩ có tay nghề cao, nhiều năm kinh nghiệm rời khỏi các bệnh viện nhà nước đã làm ảnh hưởng tới chất lượng của tuyến y tế công lập.

Bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nói: “Vừa qua một số bác sĩ ra các đơn vị tư nhân chủ yếu là vấn đề thu nhập. Nó ảnh hưởng tới nguồn nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là đối với hệ thống tuyến huyện rất thiếu”.

Dù vậy, chính sách thu hút nhân lực ngành y tế của Đồng Nai vẫn đang tiếp tục thực hiện và có những hiệu quả nhất định. Cụ thể là từ 2016 đến nay, tỉnh này đã có thêm 165 bác sĩ trẻ về làm việc, nên việc nhiều bác sĩ xin rời khỏi bệnh viện công lập dù ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ y tế, nhưng về số lượng vẫn đảm bảo và còn tiếp tục tăng lên. Quan trọng hơn là các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, chuyên môn cao vẫn tỏ ý sẽ gắn bó với các bệnh viện nhà nước.

Nên có cơ chế "chuyển nhượng"?!

Ở Đồng Nai hiện có 5 bệnh viện tư nhân được đầu tư khá bài bản, đây chính là “bến đỗ” mới được nhiều bác sĩ chọn làm nơi dừng chân sau khi rời bệnh viện nhà nước. Những bệnh viện này ra đời đã làm đa dạng hóa các dịch vụ y tế, người dân Đồng Nai giờ đây có nhiều lựa chọn hơn mỗi khi cần được chăm sóc sức khỏe.

Sở Y tế Đồng Nai nhận định, việc bệnh viện tư mạnh dạn chi tiền “rút” bác sĩ từ viện công đã tạo nên một sự cạnh tranh không công bằng. Lấy ví dụ, một bác sĩ trẻ ra trường vào làm ở viện công, được thừa hưởng nhiều mặt, từ việc có thể học hỏi kinh nghiệm cho đến các ưu đãi về chính sách. Chi phí Nhà nước bỏ ra trong giai đoạn này là không hề nhỏ. Nhưng đến khi họ có kinh nghiệm nhất định thì rời bỏ viện công theo “tiếng gọi của thu nhập”.

Như vậy viện tư chỉ cần “vung tiền” lấy người, vừa không tốn thời gian hay chi phí đào tạo mà vẫn tuyển được bác sĩ giỏi, có kinh nghiêm. Bác sĩ Hà Đức Minh, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ, Sở y tế Đồng Nai đề xuất phải có những cơ chế để đảm bảo sự công bằng cho bệnh viện công, ví dụ như nếu viện tư lấy người, phải bù đắp một khoản tiền nào đó giống như “phí chuyển nhượng” vậy.

Còn theo bà Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục ITS, những chế độ đãi ngộ của tuyến y tế công lập trong thời gian vừa qua dù đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngoài ra những vấn đề như môi trường làm việc, áp lực công việc, sự quá tải của cơ sở y tế công lập… khiến nhiều bác sĩ tìm đến bệnh viện tư nhân như là một giải pháp an toàn lại có lợi hơn.

Bà Trần Thị Quế Chi cho rằng, để giữ chân bác sĩ thì những cải cách về mặt chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc là điều tất yếu đối với các bệnh viện nhà nước. Ngoài ra, cần cải thiện chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ và tạo điều kiện hơn nữa về môi trường làm việc, tránh tạo thành vùng trũng về nguồn nhân lực trong ngành y tế, quan tâm hơn nữa đến tinh thần cho các bác sĩ. Ví dụ như tôi, nếu tôi bị áp lực về cơm áo gạo tiền, tôi bị căng thẳng vì môi trường làm việc, tôi không thể có thái độ “thầy thuốc như mẹ hiền” đối với người dân.

Bác sĩ, dù ở bệnh viện công hay bệnh viện tư thì đều là những người có trọng trách cao cả là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ở bệnh viện công, người dân sẽ nhận được sự chăm sóc y tế tốt với chi phí hợp lý nhờ các chính sách an sinh xã hội, trong khi ở bệnh viện tư, chi phí sẽ cao hơn nhiều, chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định. Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng, bất cập trong chính sách đối với nhân lực ngành y tế và xu hướng rời bệnh viện công sang bệnh viện tư có thể sẽ chưa dừng lại, nếu không sớm có quy định điều chỉnh./.

 

Theo VOV

.