Tích cực vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết
Điện Biên TV - Những ngày gần đây, tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn nhiều tỉnh thành cả nước, do đó cần có những biện pháp phòng chống tích cực từ phía cơ quan chức năng, các địa phương, đặc biệt là sự chủ động tham gia từ phía người dân về phòng chống dịch bệnh này.
Để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống dịch, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Dương Thị Quỳnh Châu – Phó GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Điện Biên.
Bác sĩ Dương Thị Quỳnh Châu – Phó GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Điện Biên (bên phải) |
PV: Thưa bác sỹ, có thể thấy tình hình dịch sốt xuất huyết trong cả nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Xin bác sỹ cho biết tình hình cụ thể tại tỉnh Điện Biên như thế nào?
Bác sĩ Dương Thị Quỳnh Châu: Tính đến ngày 21/08/2017 tại tỉnh Điện Biên, ghi nhận 42 trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết Dengue, đã lấy 30 mẫu bệnh phẩm chẩn đoán tác nhân gây bệnh, Kết quả 12 trường hợp dương tính với vi rút Dengue (H. Nậm Pồ 01 ca; Tp Điện Biên Phủ 07 ca; H. Điện Biên 03 ca; H. Điện Biên Đông 01 ca); 08 trường hợp âm tính; 10 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.
PV: Thưa bác sỹ,dịch sốt xuất huyết năm nay có gì bất thường hơn so với mọi năm?
Bác sĩ Dương Thị Quỳnh Châu:Nếu chỉ tính riêng số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương với vi rút Dengue trên địa bàn tỉnh, cho thấy số mắc năm nay tăng trên 1000% so với so với cùng kỳ các năm trước; Các năm trước số mắc chỉ dao động từ 1 – 3 ca, Chủ yếu ghi nhận là người lớn; hiếm gặp các trường hợp là trẻ em. Nhưng năm 2017, ghi nhận ở mọi lứa tuổi (cả trẻ em và người lớn), trong đó bệnh nhân ở lứa tuổi trung niên là nhiều nhất. Trong số 42 trường hợp nghi ngờ mắc SXH có tới 40 ca phải nhập viện, Đặc biệt có 02 ca có diễn biễn bệnh cảnh rất nặng, dấu hiệu xuất huyết nội tạng.
PV: Trước tình hình diễn biến của dịch sốt xuất huyết hiện nay, với chức năng nhiệm vụ được giao, trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện cũng như hướng dẫn tuyến y tế cơ sở triển khai công tác phòng chống dịch như thế nào?
Bác sĩ Dương Thị Quỳnh Châu: Mới đây nhất, Trung tâm Y tế dự phòng tham mưu cho Sở Y tế Kế hoạch hành động phòng chống SXH năm 2017 trong đó tập trung vào các hoạt động:
Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình mắc dịch bệnh đến tận thôn/bản, xã/phường/thị trấn và hộ gia đình. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Tổ chức lại các lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật, công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường phòng Sốt xuất huyết Dengue cho cán bộ y tế các tuyến.
Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện phòng, chống dịch tại tuyến tỉnh để điều phối, cung cấp cho các địa phương theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Sốt xuất huyết tại từng thời điểm.
Củng cố các đội chống dịch cơ động các tuyến. Triển khai hoạt động điều tra và xử lý triệt để theo quy định của Bộ Y tế.
Tăng cường phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiên các biện pháp phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue.
Các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt tổ chức Chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh theo quy mô từng cấp. Huy động toàn thể cộng đồng thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, tự xử lý các dụng cụ đựng, chứa nước như đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá ăn loăng quăng, bọ gậy vào các dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước; thả muối, dầu vào các bát nước kê chân chạn, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở xung quanh nhà như chai lọ, lốp xe, vỏ dừa; kết hợp khơi thông cống rãnh, phát qung bụi rậm; diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các ao tù, nước đọng, vũng nước tại các công trường xây dựng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Thực hiện phun hóa chất khử khuẩn môi trường phòng chống dịch bệnh tại các ổ dịch, nơi có ca bệnh hoặc nơi có nhiều nguy cơ tại các cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người và các hộ gia đình.
PV: Trong thực tế, cách hiệu quả nhất được ngành Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh sốt xuất huyết là gì, thưa bác sỹ?
Bác sĩ Dương Thị Quỳnh Châu: Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Để công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao, sớm đẩy lùi dịch, bệnh rất rất cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bệnh.
PV: Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này./.
Minh Trang