Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, bùng phát thành dịch bệnh
Trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên gần 5.300 ca.
Hiện nay, dich bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại các tỉnh thành trong cả nước. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 7/2017, cả nước ghi nhận 48.898 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 14 ca tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.
Riêng ở Hà Nội, đến ngày 09/06/2017 đã ghi nhận 4.147 ca mắc sốt xuất huyết, trong có có 1 trường hợp tử vong (tháng 5/2017) tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Diễn biến dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đến nay vẫn đang có xu hướng tăng mạnh. Trong tuần qua đã ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên gần 5.300 ca.
Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh (Ảnh minh hoạ). |
Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2017 khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng 3 (rét nàng Bân) nên đàn muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ đường ống nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy/lăng quăng phát triển. Ngoài ra nhiều công trình xây dựng đang khiển khai trong các khu dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho véc tơ truyền sốt xuất huyết phát triển.
Để chủ động phòng tránh dịch sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất./.
Theo VOV