Bộ trưởng Y tế chỉ rõ trách nhiệm cá nhân khi xảy ra mất ATVSTP

Thứ Hai, 05/06/2017, 15:18 [GMT+7]

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Chủ tịch UBND xã, phường và công an xã, phường, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải chịu trách nhiệm trước.
 
Mặc dù hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm ở nước ta đã tương đối đầy đủ, đồng bộ; trách nhiệm của từng bộ, ngành cũng đã được phân công khá rõ, nhưng hiện nay, vấn đề thực phẩm bẩn vẫn chạm ngưỡng báo động đỏ. Vậy giải pháp nào để giải quyết căn cơ vấn đề này?
 

1
Cần có 1 ủy ban chuyên trách vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm?


Rau tồn dư thuốc trừ sâu, thịt lợn chứa chất cấm hoặc bị tẩm hóa chất để làm giả thành thịt bò, cá ướp phân đạm, tôm bị bơm tạp chất, vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai, dùng chất vàng ô nhuộm măng, rượu pha từ cồn công nghiệp, dấm pha bằng axit và nước lã, xúc xích làm từ thịt bẩn, nội tạng thối được tẩy hóa chất và đưa lên bàn ăn..., đó là thực trạng thực phẩm bẩn liên tiếp xảy ra và bị phát hiện thời gian qua. Tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng chưa xử lý xong vụ việc này thì vấn đề khác lại phát sinh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi siết chặt quản lý chất tạo nạc Sabultamol, lượng chất này nhập về từ chỗ 10 tấn/năm thì nay giảm xuống còn khoảng 1 tạ mỗi năm. Vì thế, trong nhiều tháng qua cơ quan chức năng chưa phát hiện mẫu thịt lợn nào chứa chất này. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan quản lý lại phải đối mặt với nguy cơ sử dụng chất cấm khác là xít-ta-min trong chăn nuôi. Và điều đáng nói là dù biết rõ thực trạng, song công tác quản lý đang gặp muôn vàn khó khăn do tình trạng manh mún trong sản xuất, chăn nuôi.

"Đối với một đất nước sản xuất nhỏ với 80 triệu mảnh ruộng, gần 10 triệu hộ nông dân như nước ta, việc thay đổi đòi hỏi phải có thời gian. Thời gian qua chúng ta đã tập trung lên án những hành vi sản xuất gian dối, tích cực vận động những mô hình sản xuất tập trung. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu còn phải cố gắng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Theo Bộ Y tế, việc quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta có xuất phát điểm thấp. Chẳng hạn, Nhật Bản đã có các quy định về vấn đề này từ năm 1947, song đến năm 2010 thì Việt Nam mới có Luật An toàn thực phẩm. Thế nhưng, công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc phân định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý cho dù văn bản pháp luật đã phân công khá rõ các Bộ Y tế, Nông nghiệp, Công thương quản lý những loại thực phẩm nào. Đặc biệt, sự phối hợp liên ngành được cho dễ dẫn tới tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh đó, việc giao cho Bộ Y tế là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm cũng được đánh giá là chưa phù hợp. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thì cần có một Ủy ban quốc gia phụ trách về an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Trong thực tiễn bộc lộ những hạn chế về sự chồng chéo, khó phân định, khó có thể đảm bảo vai trò của một nhạc trưởng với một chuỗi sản xuất, tiêu thụ từ trang trại đến bàn ăn. Chúng tôi đi thăm một số nước, họ có một ủy ban riêng, một bộ riêng tách từ các bộ, ngành. Có nơi tách từ Bộ Nông nghiệp, nơi thì tách từ Bộ Y tế. Điển hình nhất là chúng tôi đi thăm Hàn Quốc, Newzealand, Trung Quốc và một số nước khác họ đều có có Ủy ban về an toàn thực phẩm”.
 

1
Một vụ tiêu hủy thực phẩm bẩn.


Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh: “Tại tuyến trung ương, 3 Bộ Y tế, Công thương và Nông nghiệp phối hợp rất chặt chẽ do có các cán bộ có chuyên môn sâu. Nhưng tại tuyến địa phương còn hạn chế và chưa kịp thời vì còn phụ thuộc vào sự phân cấp và chỉ đạo từ chính quyền địa phương các cấp”.

Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo và việc xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này cũng chưa nghiêm minh, mặc dù đã có chế tài khá mạnh là khởi tố hình sự và tăng mức tiền phạt lên hàng tỷ đồng. Trên thực tế, tình trạng vi phạm xảy ra tràn lan. Thế nhưng có những tỉnh, thành phố một năm kiểm tra hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, song chỉ xử phạt 2 cơ sở vi phạm.
Ông Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: “Vấn đề ở đây không phải là không có chế tài mà vấn đề là người có thực quyền để thực thi đã không làm mà vẫn cứ trì trệ suốt. Tôi nghĩ là phải giải mã được vấn đề đó mới giải quyết được vấn đề nếu không sự việc vẫn chỉ như vậy”.

Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích: “Hiện nay, chúng ta có một mạng lưới công an xã, ở mỗi xã lại có ít nhất 50 công an viên mà chúng ta gọi là lực lượng bán chuyên trách. Có những xã, phường lên đến 500 công an viên. Vậy nên chắc chắn Chủ tịch UBND xã, phường và công an xã, phường, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phải chịu trách nhiệm trước”.

Để kiểm soát được sự an toàn trong chuỗi cung cấp thực phẩm từ trạng trại đến bàn ăn, những vấn đề bất cập vừa nêu cần sớm được khắc phục dứt điểm và hình thành một mô hình quản lý thực phẩm có hiệu quả như nhiều nước phát triển đang thực hiện. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Có như vậy, vấn đề an toàn thực phẩm mới có thể được kiểm soát và không còn chạm ngưỡng báo động đỏ như hiện nay./.

 

Theo VOV

.