Bệnh viện phải chủ động tìm đến người dân

Chủ Nhật, 18/06/2017, 22:28 [GMT+7]

Đây là mục tiêu trong Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện khó khăn.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã thực hiện thí điểm đưa các bác sĩ trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa (ưu tiên 62 huyện nghèo) hay còn gọi là Đề án 585. Cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng, chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở là mục tiêu được Bộ Y tế đề ra trong Dự án thí điểm này.

Đối tượng tham gia Dự án là các bác sĩ tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi, bác sĩ nội trú tại các trường đại học Y, hoặc chuyên khoa cấp I,… Các bác sĩ trẻ sẽ tham gia tình nguyện, với thời gian ba năm đối với nam và hai năm đối với nữ.

x
Khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa (Ảnh minh hoạ: Hải Phong).


TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Đề án 585, Bộ Y tế cho biết: “Đây là dự án đặc biệt theo chỉ đạo của đồng chí bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhằm phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến TW, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực bác sĩ nhất là nhân lực bác sĩ có trình độ cao cho vùng khó khăn”.

Qua đánh giá thực trạng của 62 huyện nghèo ở 25 tỉnh trên cả nước, hiện nay thiếu gần 600 bác sĩ với 15 chuyên khoa như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm,… Trên cơ sở đó Đề án 585 đã được tiến hành xây dựng chương trình đào tạo đặc biệt do Đại học Y Hà Nội và các trường đại học khác tham gia theo hướng thực hành tay nghề và tập trung cho kỹ năng thực hành lâm sàng ở bệnh viện kết hợp với nhu cầu của các tuyến y tế cơ sở để điều động các bác sĩ trẻ về làm việc.

Qua tuyển dụng đặc cách, các bác sĩ này đã là viên chức của các bệnh viện tuyến trung ương, được đào tạo một thầy một trò và kèm cặp chặt chẽ, sinh hoạt và làm việc 24/24 tiếng trong bệnh viện, đến nay, kỹ năng lâm sàng đã rất tốt. Dự án thí điểm đã có 4 khoá với 78 bác sĩ được đào tạo bài bản. Tới đây, 7 bác sĩ sẽ lên đường đến công tác tại Bệnh viên Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Theo nghi nhận của phóng viên VOV, khi các bác sĩ trẻ sắp tới sẽ về cơ sở, người dân ở vùng khó khăn mong muốn các bác sĩ sẽ về khám chữa bệnh ở xã để bà con không phải đi xa: “Tôi ở xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là một xã vùng sâu vùng xa của tỉnh, vẫn còn nghèo, người dân hay ốm yếu. Để đến được bệnh viện huyện, phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến nơi, rất vất vả. Tôi rất mong có bác sĩ giỏi trực tiếp ở xã khám bệnh”.

x
TS Phạm Văn Tác (bên trái) và PGS.TS Lê Thanh Hải (bên phải).


Đối với những mong muốn của bà con ở vùng sâu vùng sa, TS Phạm Văn Tác cho biết: Đây cũng là chủ trương của Bộ Y tế, tới đây các bác sĩ ở huyện sẽ luân phiên về xã để khám chữa bệnh cho người dân tại đây. Người dân sẽ được tiếp cận gần nhất với chất lượng dịch vụ y tế tốt.

Trước những khó khăn của người dân vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện để tiếp cận với các bệnh viện lớn, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Người dân không đến được với bệnh viện thì bệnh viện sẽ đến với người dân. Trong những năm tháng vừa qua, chúng tôi đã đưa đoàn bác sĩ trẻ đến những vùng sâu vùng xa. Nhân dân ở đấy còn nhiều khó khăn, điều kiện vật chất còn rất hạn chế. Qua các chuyến đi đó chúng tôi sẽ tổ chức nhiều cuộc khám sàng lọc miễn phí cho nhân dân đồng thời cũng giáo dục cho bác sĩ trẻ hiểu thêm về điều kiện ở những nơi họ về làm việc”.

Mặc dù còn những có khăn nhất định, nhưng người dân vùng sâu, vùng xã, biên giới, hải đảo tới đây sẽ có cơ hội được chăm sóc sức khoẻ với chất lượng dịch vụ ý tế tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về cơ sở, vật chất, thiết bị y tế, điều kiện làm việc cũng là rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng y tế ở các huyện miền núi. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần phải có những chính sách dài hơi hơn nữa cùng với chính sách đãi ngộ tốt để thu hút các bác sĩ giỏi về vùng sâu, vùng xa làm việc./.

 

Theo VOV.VN
 

.