Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp
Gần 60% người mắc tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị vì người dân không đo huyết áp thường xuyên...
Sáng 13/5, tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết 17/5. Tại đây, các chuyên gia thế giới khuyến cáo ngành y tế Việt Nam cần tăng cường hệ thống y tế công cộng để phòng chống bệnh tăng huyết áp nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung đang gia tăng nhanh chóng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ mít tinh |
Nước ta hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim… làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam.
Gần 60% người mắc tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị vì người dân không đo huyết áp thường xuyên và hầu hết người bị tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng nên bệnh nhân không biết mình bị bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tăng huyết áp có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, ăn mặn, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.
“Đối với cộng đồng, Bộ Y tế kêu gọi: để dự phòng tăng huyết áp nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung, mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường ăn rau và trái cây, giảm ăn muối xuống dưới 5 gam/ngày, tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia. Thực hiện những hành vi nêu trên sẽ giúp chúng ta phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường týp II và trên 40% các bệnh ung thư”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Đại biểu dự lễ mít tinh |
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp xây dựng và thực thi các chính sách, qui định về kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác. Trong đó, thực hiện hiệu quả việc phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, xây dựng các mô hình nâng khuyến khích vận động thể lực, cao sức khỏe cộng đồng.
Ông Jun Nakagawa, Phó trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nói: “Hệ thống y tế cần tiếp tục cải cách trong đó tập trung vào tăng cường hệ thống y tế công cộng để tham mưu cho Chính phủ và các ban ngành xây dựng và thực thi các chính sách y tế công cộng, đồng thời giáo dục cho người dân về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Hệ thống y tế công cộng cần đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc lâu dài dựa vào trạm y tế xã và cộng đồng trong điều trị quản lý tăng huyết áp lồng ghép với các bệnh mãn tính khác, đặc biệt là đái tháo đường, một loại bệnh không lây nhiễm nhưng cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch”.
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, hiện có tới một nửa số nam giới ở nước ta hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia và gần một nửa trong số đó uống ở mức nguy hại; hơn một nửa dân số ăn thiếu rau, trái cây; người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến cáo và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch./.
Theo VOV