Những loại xét nghiệm thường bị lạm dụng trong các bệnh viện

Thứ Ba, 23/05/2017, 07:29 [GMT+7]

Những xét nghiệm chủ yếu, nhiều nhất là sinh hóa máu, máu ngoại vi, xét nghiệm về miễn dịch, marker về ung thư… bị lạm dụng nhiều nhất.
 
Xã hội hóa y tế - tư nhân được đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế đã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các loại dịch vụ, thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, mặt trái của xã hội hóa (XHH) y tế cũng khiến nhiều bệnh nhân phải “kêu giời” vì phải trả những khoản tiền không đáng cho những xét nghiệm, chỉ định không cần thiết.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông  Lê Văn Phúc - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam) về vấn đề này.
 

X
Ông Lê Văn Phúc


PV: Thưa ông, những loại xét nghiệm nào thường bị các bệnh viện lạm dụng, chỉ định cho bệnh nhân phải thực hiện?

Ông Lê Văn Phúc: Những xét nghiệm chủ yếu bị lạm dụng nhiều nhất, bị làm đi làm lại là sinh hóa máu, máu ngoại vi, xét nghiệm về miễn dịch, marker về ung thư... Theo Thông tư 15, bệnh viện và tư nhân được góp vốn liên danh liên kết như CT scaner, gamma knife, chụp cộng hưởng từ, và một số máy đắt tiền khác. Theo đó, công ty có máy, bệnh viện thì có phòng, có bác sĩ. Việc liên danh, liên kết này cũng có mặt tích cực nhưng bên cạnh đó là lạm dụng tăng chỉ định để nhanh chóng thu hồi vốn. Ví dụ, phải 5-7 năm hoặc lâu hơn nữa thì mới thu hồi được vốn đầu tư 1 cái máy MRI trị giá khoảng mươi tỷ, nhưng có những bệnh viện chỉ trong 3 năm đã thu hồi được vốn rồi.

Có những bệnh viện, chúng tôi thống kế cứ 100 bệnh nhân thì có 39-40 bệnh nhân được chỉ định chụp MRI, trong khi đó, mức bình quân của cả nước thì chỉ có 4 trường hợp/1.000 bệnh nhân nội trú.

PV: Theo ông, từ những thỏa thuận nào mà các bác sĩ lại tăng cường chỉ định làm các xét nghiệm, thực hiện các chiếu chụp đắt tiền?

Ông Lê Văn Phúc: Bao giờ người ta đặt máy ở các bệnh viện thì điều kiện đầu tiên là phải bán được nhiều hóa chất. Bệnh viện, cơ sở y tế được lựa chọn phải có khả năng làm được nhiều xét nghiệm và có nhiều bệnh nhân. Ví dụ, 1 ngày 500 bệnh nhân đến khám thì có 10% làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (50 bệnh nhân) thì đặt máy vào đó để bán theo lợi nhuận từ hóa chất, từ những thứ khác nữa.

Bệnh viện, khi có 500 bệnh nhân đến khám, lẽ ra chỉ cần làm xét nghiệm với 30 bệnh nhân thôi, nhưng vì đã cam kết phải dùng đủ hóa chất thì phải làm đủ 50 bệnh nhân. Thậm chí, có xét nghiệm anh đã làm rồi nhưng 5 ngày sau lại chỉ định làm lại hoặc những trường hợp bệnh mãn tính, có những xét nghiệm 3 tháng mới phải làm lại, như tiểu đường hoặc tăng huyết áp, nhưng vì đặt máy XHH, muốn cung cấp được nhiều dịch vụ, có thể 10 ngày bệnh nhân đến 1 lần là đã cấp thuốc, làm lại xét nghiệm rồi.

Vừa rồi, Bộ Y tế ra văn bản yêu cầu các bệnh viện không được đưa vào trong hợp đồng những cam kết về số lượng dịch vụ cung cấp, cam kết số lượng hóa chất phải sử dụng. Có như vậy mới mong giảm được các xét nghiệm không cần thiết.

PV: Có những xét nghiệm, chỉ định nào mà cơ quan bảo hiểm xã hội cho rằng bệnh viện đã chỉ định bệnh nhân làm một cách vô lý, không cần thiết?

Ông Lê Văn Phúc: Đơn cử những trường hợp đau đầu. Nguyên nhân đau đầu thì có rất nhiều như mất ngủ, vợ chồng cãi nhau, con hư, thời tiết…. Lẽ ra bác sĩ phải hỏi bệnh kỹ lưỡng, nhưng bệnh nhân vừa đến kêu bệnh bác sĩ đã chỉ định cho chụp cộng hưởng từ.

Nếu làm một cách có trách nhiệm thì những đau đầu phải chụp cộng hưởng từ mới phát hiện được phải là đau đầu nhiều, dữ dội hoặc do những khối u, đau đầu tăng thêm kèm theo nôn. Nhưng bác sĩ nhiều khi chỉ nghe kể bệnh đau đầu, cộng với mong muốn của người bệnh là chỉ định chụp kiểm tra cho yên tâm.

Đau lưng cũng hay được các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ mà thông thường chỉ để phát hiện thoát vị đĩa đệm. Trong khi dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm cũng rất dễ khám bằng lâm sàng.

Có trường hợp chỉ cần siêu âm là phát hiện được bướu giáp nhưng bác sĩ lại chỉ định chụp cộng hưởng từ và chụp X quang trước mổ và phát hiện vết mờ ở phổi, bác sĩ lại chỉ định chụp CT phổi. Khi người nhà đưa xuống phòng chẩn đoán hình ảnh thì các kỹ thuật viên ở đây lại bảo bệnh nhân vừa chụp buổi sáng rồi giờ còn chụp gì nữa.

PV: Thực tế hiện nay, nhiều bệnh nhân đã làm đầy đủ xét nghiệm ở tuyến dưới hoặc ở bệnh viện khác chuyển tới thì không được chấp nhận. Đây có phải là một cách “móc túi” bệnh nhân?

Ông Lê Văn Phúc: Cái này liên quan đến liên thông xét nghiệm. Đến tháng 6 này, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư qui định. Ví dụ, tiêu chuẩn của một phòng xét nghiệm như thế nào thì được liên thông chứ không phải phòng khám nào cũng được liên thông. Còn việc tuyến trên không công nhận kết quả của tuyến dưới thì đó là đương nhiên, tuy vậy xét về góc độ chuyên môn thì anh ở tuyến trên ít khi chấp nhận kết quả xét nghiệm đó của bệnh viện tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh. Còn ở góc khác thì đó là thu nhập của bác sĩ đó nên người ta phải chỉ định làm xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ...

Mới đây, tôi có vào Bệnh viện Đa khoa An Giang, một bệnh nhân bị chấn thương mà trong có 5-6 ngày chụp liền 5 cái CT, nhưng vấn đề là hình ảnh lâm sàng không phải diễn biến xấu đi. Chính BS Nguyễn Tiến Quyết ở Việt Đức phải thốt lên rằng, “chụp như thế này thì chết”.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo VOV
 

.