Điện Biên

Tăng cường áp dụng xét nghiệm Gene Xpert trong phòng chống Lao

Thứ Tư, 24/05/2017, 13:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 22/5/2017, Bệnh viện phổi Trung ương phối hợp cùng Bệnh viện lao và bệnh phổi Điện Biên tổ chức lớp tập huấn tăng cường áp dụng kỹ thuật Xpert MTB/RIF vào chẩn đoán bệnh lao/lao kháng thuốc cho hơn 50 học viên là cán bộ chống Lao và HIV tuyến tỉnh và huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

1
Triển khai tăng cường áp dụng xét nghiệm Gene Xpert trong phòng chống Lao trên địa bàn tỉnh Điện Biên


Trước đây việc chẩn đoán lao phổi chủ yếu dựa vào xét nghiệm soi đờm trực tiếp tuy nhiên giới hạn của kỹ thuật này là độ nhạy không cao, đã bỏ sót một số lượng đáng kể bệnh nhân không được chẩn đoán Lao, đặc biệt ở nhóm người nhiễm HIV, trẻ em và bỏ sót trong chẩn đoán lao đa kháng thuốc.

Triển khai áp dụng kỹ thuật Xpert MTB/RIF vào chẩn đoán bệnh Lao/lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ cuối năm 2012 đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác sàng lọc, phát hiện bệnh nhân Lao trên địa bàn.

Với công nghệ này, kỹ thuật Xpert MTB/RIF cho phép xác định vi khuẩn Lao với độ nhạy rất cao đạt 99%  đối với người bệnh xét nghiệm đờm trực tiếp dương tính

Ưu điểm của kỹ thuật này là cho kết quả nhanh trong vòng 2 giờ và đặc biệt là máy có thể cho kết quả kép, nghĩa là cùng một lần trả lời cho biết: bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn lao và có kháng với thuốc Rifampicin (một loại thuốc chủ lực trong phác đồ điều trị Lao hiện nay) hay không.

Việc cho ra kết quả nhanh, giúp người bệnh giảm được thời gian chờ đợi, chi phí, được điều trị kịp thời, qua đó giảm được gánh nặng bệnh tật, nguồn lây trong cộng đồng. Ngoài ra, kỹ thuật tách gen này còn được ứng dụng tốt trong xét nghiệm chẩn đoán những trường hợp nghi ngờ mắc Lao ở người nhiễm HIV và trẻ em.

1
Kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và bệnh phổi Điện Biên vận hành máy máy Gene Xpert vào chẩn đoán bệnh lao

 

Kỹ thuật này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng thực vào tháng 12.2010 và khuyến cáo áp dụng trong công tác phòng chống Lao. Bộ Y tế đã phê duyệt quy trình triển khai và yêu cầu cần thực hiện kỹ thuật này một cách hợp lý, sáng tạo, khoa học, rút kinh nghiệm trong điều kiện Việt Nam để có thể triển khai mở rộng trong toàn quốc nhằm phát hiện sớm tất cả các thể lao trong cộng đồng như đường lối chiến lược của Chương trình chống Lao Quốc gia trong giai đoạn mới đã đề ra.

Mặc dù tỷ lệ người mắc Lao trong toàn quốc đã có xu hướng giảm nhưng theo tổ chức y tế thế giới, hàng năm, nước ta vẫn có khoảng 130.000 người mắc Lao mới và 18.000 người tử vong do Lao. Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Thực tế cho thấy, chương trình chống Lao đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đó là việc quản lý bệnh Lao kháng đa thuốc, bệnh Lao ở người nhiễm HIV và bệnh Lao ở trẻ em.

Hàng năm Bệnh viện Lao và bệnh phổi Điện Biên thường xuyên tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân Lao mới. Năm 2016 đã khám hơn 3400 lượt phát hiện mới 155 bệnh nhân. Hiện nay số bệnh nhân Lao quản lý và điều trị là hơn 300 bệnh nhân.

Bác sỹ Nguyễn Đức Vinh – Bệnh viện Lao và bệnh phổi Điện Biên cho biết: Trước đây việc chuẩn đoán Lao phổi rất mất thời gian, độ chính xác chưa cao vẫn để lọt bệnh nhân đặc biệt đối với bệnh nhân Lao/HIV và kháng thuốc. Qua gần 5 năm Khi áp dụng kỹ thuật Xpert MTB/RIF và đưa máy Gene Xpert vào chẩn đoán bệnh Lao/lao kháng thuốc thì chỉ mất 2 tiếng để phát hiện bệnh Lao, lao đa kháng thuốc và Lao trên người có HIV, thời gian trả lời kết quả xét nghiệm nhanh, độ chính xác cao.

Việc đưa kỹ thuật Gene Xpert  vào thực hiện tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi không chỉ giúp các bệnh nhân giảm được thời gian, chi phí điều trị bệnh mà còn giúp Bệnh viện chủ động chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân mắc lao, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống Lao Quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Hương Trà
 

.