Cách nào để đi khám, chữa bệnh phải chi ít tiền túi nhất?
Để người dân giảm chi tiền túi khi khám chữa bệnh, không có một giải pháp đơn lẻ nào, việc đầu tiên là người dân cần phải có BHYT.
Theo Bộ Y tế, người dân bỏ tiền túi chi cho viện phí vẫn ở mức cao, chiếm hơn 40% tổng chi cho y tế quốc gia, khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa khi điều trị bệnh. Mục tiêu đến năm 2025, sẽ giảm tỷ lệ này xuống dưới 30%.
Chi trả khám chữa bệnh ít đi và hiệu quả hơn là mong muốn của cả người làm y tế và bệnh nhân dù ở bất kỳ quốc gia, hoàn cảnh kinh tế nào. Bà Nguyễn Kim Phương – chuyên gia tài chính y tế (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng: Chi tiền túi có thể gây nên những tổn thất về tài chính và có thể làm cho một gia đình đang ở trên mức sống trung bình nhưng sau một lần ốm đau trả tiền cho các dịch vụ y tế thì có thể rơi xuống ngưỡng đói nghèo.
Nhiều người nghèo lại nghèo thêm khi khám chữa bệnh không có BHYT |
“Chúng ta có rất nhiều câu chuyện về tình trạng này, nhiều khi họ phải bán một phần tài sản, thậm chí kể cả công cụ sản xuất (phương tiện sản xuất, trâu bò, máy móc) để lấy tiền chữa bệnh, nếu trong gia đình có một người ốm nặng” – bà Kim Phương cho biết.
Mục tiêu của hệ thống tài chính y tế quốc gia và cũng là mục tiêu của ngành y tế là giảm chi trực tiếp từ tiền túi của bệnh nhân, thay thế hình thức chi trả đó bằng hình thức khác mang tính chia sẻ nhiều hơn để bảo vệ được tài chính gia đình. Ví dụ, như chi trả từ một quỹ có thể được phân bổ từ ngân sách nhà nước, quỹ BHYT do mọi người đóng góp vào.
Tuy nhiên, quỹ này phải được đóng góp khi chúng ta còn khoẻ mạnh. Quỹ được chi trả khi các thành viên của quỹ bị ốm, đó là sự chia sẻ.
Để giảm chi trả từ tiền túi của người dân, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã và đang cố gắng củng cố hai hình thức tài chính cho y tế: thứ nhất tiếp tục dùng ngân sách, thứ hai bắt đầu xây dựng hệ thống BHYT, BHXH, trong đó những người không có khả năng đóng góp thì nhà nước bao cấp người nghèo, người dân tộc thiểu số đang được địa phương dùng ngân sách mua BHYT.
Khi có BHYT đi khám chữa bệnh thì bệnh nhân cũng vẫn phải trả một phần, gọi là đồng chi trả. Đồng chi trả có thể là 20% cho những dịch vụ thông thường và có thể cao hơn cho những thuốc, dịch vụ đắt tiền và thậm chí là khá là cao lên tới 50-60% của giá trị thuốc hoặc chi phí của 1 lần điều trị. Việc đồng chi trả có thể vẫn làm cho chi từ tiền túi cao, sẽ làm cho những hộ gia đình có thu nhập không cao rơi vào tình trạng bất ổn, khó khăn.
Làm thế nào để giảm chi từ tiền túi?
Theo bà Kim Phương, không có một phương pháp đơn lẻ nào mà phải làm rất nhiều, việc đầu tiên là người dân cần phải có BHYT.
“Hiện nay chúng ta đã đạt 80% dân số có BHYT rồi và chúng ta nên phấn đấu 20% còn lại cũng có BHYT hoặc phấn đấu đến mức 90-95%, để người dân nếu có ốm đau thì trước hết có BHYT chia sẻ gánh nặng chi phí”.
Tuy nhiên, việc tăng độ bao phủ của BHYT thực sự là vấn đề nan giải, khó khăn bởi theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì trong số những người tham gia BHYT hiện nay thì có 65% được ngân sách hỗ trợ. Thời gian qua, độ bao phủ BHYT tăng nhanh nhưng lại “toàn từ Nhà nước mà ra”. “Đơn cử như ở Thanh Hóa, độ bao phủ đang từ trên 80% giảm xuống còn dưới 76%, nguyên do là số hộ thoát nghèo tăng lên nên không được nhà nước bao cấp nữa” – ông Lợi nói.
Một vấn đề nữa được bà Kim Phương đưa ra là chúng ta phải sử dụng quỹ BHYT một cách hiệu quả, công bằng. Để sử dụng hiệu quả cũng có nhiều việc phải làm. Thứ nhất, chúng ta phải nghĩ rằng gánh nặng bệnh tật của người dân Việt Nam là gì? Những gánh nặng bệnh tật nào ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khoẻ của người dân để chúng ta tập trung nguồn lực đã có cho gánh nặng bệnh tật đó. Thứ hai, chúng ta phải xác định được giá phải chăng cho bên cung ứng để cho họ tồn tại và có thể trả được lương của nhân viên y tế ở mức chấp nhận được, đồng thời cũng phải chăng với túi tiền của quỹ, của người dân. “Đây là bài toán kỹ thuật, chúng ta phải làm rất kỹ lưỡng, cẩn thận, cân nhắc quyền lợi của tất cả các bên một cách cân bằng” – bà Phương nhấn mạnh.
Việc chi trả cho những bên cung ứng dịch vụ như thế nào cũng phải được quan tâm để khuyến khích họ cung ứng dịch vụ một cách tiết kiệm nhất, đạt được sức khoẻ bệnh nhân với chi phí thấp nhất; Hạn chế cung ứng những dịch vụ thuốc không cần thiết. Khi chúng ta dùng quỹ tiết kiệm, khôn ngoan thì có nhiều tiền hơn để chi trả cho những dịch vụ y tế cần thiết.
Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho rằng, việc chi trả quỹ BHYT cũng phải thực sự tiết kiệm (bằng chính sách và trong tổ chức thực hiện như điều chỉnh mức giá một số dịch vụ, chính sách chặt chẽ hơn trong sử dụng dịch vụ y tế. Thực tế là càng tuyến cao thì việc sử dụng các dịch vụ càng ít đi.
Năm 2015, qua kiểm tra từ chối thanh toán từ 700-800 nghìn tỷ, năm 2016 dự kiến khoảng 1000 tỷ. Công tác phòng, chống lạm dụng quỹ BHYT rất nan giải vì những chỉ định trong ngành y mang tính cá nhân rất cao, trong khi hệ thống giám sát của cơ quan BHXH còn rất mỏng. “Bộ Y tế cần sớm ban hành những tiêu chuẩn kỹ thuật về điều trị để BHYT bám vào giám sát” – ông Phúc nói./.
Theo VOV