Bệnh dại từ chó, mèo – Không nên xem thường

Thứ Sáu, 19/05/2017, 09:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phong trào nuôi chó mèo vẫn đang được ưa chuộng trong các hộ gia đình Việt Nam. Đây cũng chính là nguồn gây bệnh dại từ chó, mèo sang người nhất là vào dịp mùa mùa hè nắng nóng đang đến.

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm,  hàng năm có hàng trăm trường hợp tử vong do bệnh dại gây lên, và mỗi năm trung bình có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 300 tỷ đồng, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung tại đây.

1
Chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm khoảng 97%

 

Chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm khoảng 97%, sau đó là mèo nhà chiếm 2,7%. Đường lan truyền bệnh dại hầu hết thông qua vết cắn của gia súc và bệnh dại thường có thời gian nung bệnh kéo dài. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người

Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

Nhờ những nỗ lực đáng kể của ngành Y tế và các ngành liên quan cũng như sự vào cuộc của chính quyền UBND các cấp, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã đạt kết quả nhất định. Ghi nhận trong năm 2016 cả nước chỉ còn 49 trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra ở 20 tỉnh, thành phố.

1
1

 

Đến nay dịch dại trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2016 có gần 5,5 ngàn người phải tiêm phòng dại và có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có gần1.500 người tiêm phòng nghi chó dại và 2 trường hợp mắc và tử vong do lây nhiễm bệnh dại từ chó. Tất cả các trường hợp tử vong đều do bệnh nhân chủ quan không tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn.

Hiện nay, thời tiết đã chuyển sang hè, thường xuyên xảy ra nắng nóng nên nguy cơ bùng phát bệnh dại trên động vật nuôi như chó mèo là rất cao. Vì thế, vào mùa hè, người dân phải hết sức cảnh giác với chó, mèo dại và không nên chủ quan. Thời gian ủ bệnh của bệnh dại kéo dài, sớm nhất cũng phải nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người kéo dài đến một vài năm. Nó phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh.

Bà Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Điện Biên cho biết: Sở dĩ bệnh dại chưa thể loại trừ, là do đàn chó nuôi ở  hộ gia đình còn phổ biến; chó chủ yếu nuôi thả rông, không rọ mõm, không được tiêm phòng. Nhiều người không thấy nguy cơ mất mạng vì chó cưng mà mình nuôi; đa số không biết xử lý vết thương cho đúng khi bị chó dại hoặc nghi dại cắn và không đi tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn.

Trao đổi với PV, anh Trần Văn Thuận – phường Noong Bua TP Điện Biên Phủ chia sẻ: “Người dân ở đây nuôi chó ý thức còn kém, phần lớn vẫn thả rông ngoài đường, chúng đi lang thang ngoài đường gây cản trở an toàn giao thông và đặc biệt nguy hiểm bởi chúng có thể giống như mầm bệnh di động”.

Cũng theo anh Thuận, việc thả rông chó không rọ mõm rất nguy hiểm. Đặc biệt những con chó, mèo bị mắc bệnh lại càng nguy hiểm hơn bởi khi bị chúng cắn, con người rất dễ bị lây nhiễm bệnh, nhất là bệnh dại. Anh cũng như nhiều người dân luôn cảm thấy bất an về thực trạng này.

Khi bị chó, mèo bị dại và nghi dại cắn thì việc đầu tiên nên làm là rửa vết thương với xà phòng đặc dưới vòi nước sạch để loại vi rút dại ra khỏi vết thương; không nặn, bóp vết thương vì sẽ làm vi rút khuếch tán nhanh hơn trong cơ thể.

Trường hợp không có xà phòng thì rửa vết thương bằng rượu, cồn I ốt hoặc bất cứ loại dung dịch sát khuẩn nào. Nếu có thể thì nhốt con vật cắn để theo dõi trong vòng 10 ngày và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt. Không sử dụng thuốc nam để chữa bệnh dại. Do đó, người dân không nên chủ quan với bệnh dại, để phòng, chống bệnh dại hiệu quả, cách tốt nhất vẫn là tiêm ngừa vắc xin đầy đủ cho chó, mèo.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị mắc bệnh dại tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để hạn chế mắc bệnh dại, đặc biệt là trong mùa hè này, gia đình có nuôi chó cần phải xích, nhốt chó, không để chó chạy rông ngoài đường, khi cho chó ra đường phải đeo rọ mõm. Hàng năm cần tiêm phòng dại cho đàn chó theo đúng lịch quy định của thú y. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với bệnh dại như người chăm sóc, giết mổ chó, mèo… nên tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Tình trạng nuôi chó thả rông đang diễn ra phổ biến trên địa bàn phường Noong Bua TP Điện Biên Phủ
Tình trạng nuôi chó thả rông đang diễn ra phổ biến trên địa bàn phường Noong Bua TP Điện Biên Phủ


Đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã tiêm được khoảng hơn 22 ngàn liều vắc xin dại chiếm 31% tổng đàn chó trong đó Thành phố Điện Biên Phủ tiêm đạt gần 70%, huyện Điện Biên và Mường nhé đạt 50%, thấp nhất là huyện Điện Biên Đông tiêm phòng đạt 7%, riêng huyện Mường ảng chưa triển khai tiêm

Trước diễn biến phức tạp bệnh dại ở người, để chủ động ngăn ngừa bệnh dại lây từ động vật sang người và giảm số trường hợp tử vong do bệnh dại, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát và phòng chống bệnh dại trên địa bàn toàn tỉnh,duy trì 22 điểm tiêm/10 huyện. Tổ chức tiêm vắc xin dại miễn phí cho các đối tượng là người nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.

Phối hợp với Trạm thú y huyện, cơ quan chức năng tăng cường quản lý đàn chó mèo, không để tình trạng chó chạy rông và có biện pháp quản lý hiệu quả chó, mèo vô chủ nhằm giảm thiểu số người bị động vật nghi dại cắn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương các cấp và tổ chức đoàn thể về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả; hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, tư vấn kịp thời ngăn ngừa tử vong do bệnh dại…

Để phòng, chống bệnh Dại bền vững cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo,  Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân cần tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó mèo và giúp người dân nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại, để không còn những cái chết thương tâm vì bệnh Dại, từng bước khống chế và thanh toán bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

 

Hương Trà
 

.