Liên thông xét nghiệm y tế: Còn nhiều việc phải làm
Để thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm thì cơ sở y tế phải đầu tư về trang thiết bị và nhân lực.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2017, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ liên thông kết quả xét nghiệm (nghĩa là công nhận kết quả xét nghiệm của nhau). Sau đó, bệnh viện hạng I và tương đương thực hiện từ ngày 1/1/2018. Hiện nay, rất nhiều vấn đề mà các bệnh viện và ngành y tế cần phải làm trước khi thực hiện liên thông.
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Chuyên khoa 2 Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, liên thông kết quả xét nghiệm cái được nhất là thuận lợi cho người bệnh, giảm được chi phí xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi, từ đó rút ngắn thời gian điều trị.
Liên thông xét nghiệm thì người bệnh là sẽ có lợi nhất |
Hiện mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu thực hiện 9.000 xét nghiệm, 950 lượt đọc giải phẫu bệnh và 900 lượt siêu âm. Việc liên thông kết quả sẽ giúp cho những việc liên quan đến xét nghiệm của bệnh viện đỡ quá tải hơn.
Tuy nhiên, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn cho rằng, để thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm thì cơ sở y tế phải đầu tư về trang thiết bị và nhân lực.
Bác sĩ Tuấn cũng đề xuất cần có sự thống nhất phân loại các phòng xét nghiệm của từng bệnh viện, công bố lên trang mạng của Bộ Y tế để các bệnh viện tham khảo, trao đổi nhằm giảm sai số. Còn những xét nghiệm đặc biệt thì chỉ nên thực hiện ở bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ nhân viên đủ trình độ chuyên môn.
“Những xét nghiệm tinh tế thì phải làm ở các cơ sở đầy đủ trang thiết bị và nhân lực. Làm được như vậy thì ngành Y tế ngày càng phát triển và rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh” - bác sĩ Tuấn nói.
Còn Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cho rằng nên xác định chỉ liên thông kết quả về lĩnh vực sinh hóa, hóa nghiệm, huyết học, vi sinh, còn những xét nghiệm về siêu âm, chẩn đoán hình ảnh… thì chưa liên thông được. Do những xét nghiệm này có thể có sai số lớn, bởi người thực hiện và người đọc có trình độ rất khác nhau.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Đức Công đề nghị để liên thông được cần chuẩn hóa các phòng xét nghiệm, thực hiện kiểm chuẩn, nội kiểm và ngoại kiểm. Từng đợt xét nghiệm, từng lô xét nghiệm đó cũng phải được kiểm chuẩn lại để kiểm soát về mặt chất lượng. Chuẩn hóa tất cả các quy trình làm việc của nhân viên, về nhiệt độ, bảo quản mẫu xét nghiệm… để hạn chế tối đa sai số.
Trước khi các bệnh viện công nhận kết quả của nhau thì cần chuẩn hóa mọi thứ liên quan đến xét nghiệm |
Tại TP HCM, Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm được thành lập năm 2006, triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng cho các phòng xét nghiệm, giúp đào tạo cho khoảng 5.900 cán bộ y tế về quản lý chất lượng xét nghiệm.
Hàng năm, Trung tâm thực hiện trên 150.000 xét nghiệm cho các bệnh viện. Hiện thành phố có 11 phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế về xét nghiệm, trong khi đó cả nước có khoảng 30 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn này.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện nay, tỷ lệ sai số giữa các phòng xét nghiệm đã giảm đáng kể. Chẳng hạn, kết quả sinh hóa, tỷ lệ sai số giảm từ 18,6% trong năm 2007 xuống còn 8,4% trong năm 2016, trong khi đó tỷ lệ nhỏ nhất của thế giới là 3,6%.
Thời gian tới, Sở Y tế TP HCM sẽ chỉ đạo các đơn vị chuẩn hóa để đạt các mức chất lượng của Bộ Y tế, từ đó đề nghị Bộ Y tế tổ chức đánh giá công nhận mức chất lượng các phòng xét nghiệm tại thành phố và liên thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các bệnh viện chú trọng đào tạo nhân viên làm xét nghiệm.
Liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện không phải là điều mới mẻ ở một số bệnh viện, nhưng việc liên thông ở tất cả các bệnh viện thì Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình cụ thể. Vì vậy, các cơ sở y tế cần sớm có kế hoạch chuẩn bị đầu tư về trang thiết bị, con người cho vấn đề này, giúp giảm chi phí điều trị và làm hài lòng người bệnh. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành Y tế đang hướng tới./.
Theo VOV