Ngộ độc tập thể: Chết nhiều người nhưng vẫn không ai sợ!
Ngộ độc thực phẩm đã và đang trở thành nỗi lo thường trực không chỉ của người dân mà cả các cấp chính quyền.
Thực tế câu chuyện mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã cướp đi mạng sống của nhiều người chỉ vì thói quen, tập quán của một số người dân trong sử dụng thức ăn đồ uống mất an toàn. Vậy qua các vụ việc xảy ra, ý kiến của người dân ra sao và công tác quản lý của ngành chức năng trong công tác này như thế nào?
Các nạn nhân một vụ ngộ độc. |
Ngộ độc thực phẩm đã và đang trở thành nỗi lo thường trực không chỉ của người dân mà cả các cấp chính quyền. Thế nhưng, tìm được lời giải cho bài toán này không dễ. Đề phòng vẫn là cách của hầu hết các bà nội trợ Yên Bái vào thời điểm này. Bà Nguyễn Thị Lý, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Nhà tôi cũng sợ bị ngộ độc hoặc đau bụng tôi toàn cấy rau ăn. Thịt thỉnh thoảng mới mua, mua cứ chọn ở người quen, rồi cứ chọn thịt nạc mua thôi, còn chẳng mấy khi mua mỡ”.
Câu chuyện ngộ độc thực phẩm, mà cụ thể là ngộ độc rượu tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu không chỉ trong 1 bản mà lan rộng ra 5 xã biên giới của huyện Phong Thổ, đến nay vẫn được đồng bào trên địa bàn nhắc đến tại nhiều chợ phiên vùng cao, trong các bữa tiệc của gia đình mỗi khi sử dụng rượu.
Sau sự việc ngộ độc, chính quyền các xã đã ra quân tuyên truyền, vận động người dân giao nộp và tự hủy trên 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Tất cả các cửa hàng bán rượu trên địa bàn đều bị niêm phong nguồn rượu hiện có và các gia đình nấu rượu cũng tạm thời bị "cấm" sản xuất. Tuy nhiên, rượu vẫn được bà con lén lút mua bán như một mặt hàng không thể thiếu hàng ngày mà chưa được chính quyền kiểm soát chất lượng. Nhiều trường hợp còn trốn lên lán nương để uống rượu. Cùng với rượu, theo những người buôn đồ nướng ở chợ phiên Dào San, huyện Phong Thổ cho biết, việc mua bán gà đông lạnh của họ diễn ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa bao giờ bị lực lượng chức năng hỏi tới hay bị cấm.
Trung bình một thùng gà đông lạnh 15kg, gồm toàn đùi và thịt được họ mua với giá 400 đến 450 nghìn đồng, tức là có 30 nghìn đồng 1 kg. Khi mang ra chợ bán, mỗi đùi gà hoặc một xiên thịt, sau khi được tẩm ướp gia vị nướng lên được bán với giá từ 10 đến 15 nghìn đồng và thực khách chủ yếu là đồng bào vùng cao, ít tiền. Mỗi thùng thịt, đùi gà, sau khi trừ chi phí, người bán lãi khoảng 500 nghìn đồng.
Gà đông lạnh phổ biến nhất, chỉ 10 nghìn đồng có thể mua được 1 đùi gà 300 g. |
Không có nhiều tiền, nhưng nhu cầu đòi hỏi thực phẩm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày lại không thể thiếu. Nắm bắt được tâm lý của đồng bào, kẻ xấu thường lợi dụng tuồn các mặt hàng hết hạn sử dụng, kém chất lượng, hàng giả đến để phục vụ bà con. Với tâm lý hám rẻ, nên người dân thường mua với số lượng nhiều về sử dụng và đây là nguy cơ gây ngộ độc tập thể cho bà con.
Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Trước hết, xã đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền đa dạng các hình thức phong phú, bằng nhiều thứ tiếng tới đồng bào, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới giáp biên. Các phòng chức năng của huyện căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các hộ kinh doanh, trú trọng tới các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các mặt hàng này. Chúng tôi yêu cầu chính quyền các xã tích cực vào cuộc quyết liệt hơn, để kiểm soát thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn”.
Năm 2016, tỉnh Yên Bái đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm, với trên 230 người mắc và đã có 4 trường hợp tử vong. Các vụ ngộ độc này chủ yếu xảy ra ở địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn. Ngoài các nguyên nhân từ nguồn gốc thực phẩm dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ở vùng cao Yên Bái còn do giao thông đi lại khó khăn, nên mỗi lần đi chợ người dân thường mua thực phẩm dự trữ cho nhiều ngày trong khi điều kiện bảo quản lại rất sơ sài, thiếu thốn, dẫn đến thực phẩm hư hỏng nhanh.
Ông Vàng A Giàng, Phó Chủ tịch UBND xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu cho biết: “Ở trên này rất là khó khăn chỉ có 3 thôn bản có điện, còn lại là không có điện. Thực phẩm khi mua về không dùng hết, chưa dùng đến để sử dụng được chỉ có cách là sấy khô để không bị bốc mùi hôi thối. Với rau thì mình cũng chỉ biết mua thôi, chưa có cách gì để khẳng định là sạch hay không sạch”.
Theo ông Nguyễn Bá Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, hiện nay, các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm lại là những mặt hàng đông lạnh hay chế biến sẵn thẩm lậu qua đường tạm nhập tái xuất hay trà trộn trong quá trình trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Thế nhưng công tác quản lý, giám sát hàng hóa này vẫn còn rất khó khăn, không triệt để: “Năm 2016 và các năm trước, qua công tác kiểm tra, bắt giữ, xử lý vi phạm về thực phẩm nhập lậu trên địa bàn tỉnh; hàng hóa vi phạm chủ yếu là thực phẩm đông lạnh như thịt bò, thịt trâu, chân gà; thứ hai là nội tạng động vật; thứ ba là các thực phẩm qua chế biến như chả cá, gà cay, xúc xích…”.
Để phòng tránh ngộ độc, nhiều người dân cho rằng trước hết bản thân phải nâng cao ý thức trong sử dụng thực phẩm để tự phòng tránh. Còn các ngành chức năng cho rằng phải tăng cường các biện pháp quản lý. Tuy nhiên, để nâng cao ý thức trong người dân và các biện pháp trong cách thức quản lý của ngành chức năng thì cần có những giải pháp chặt chẽ, đủ mạnh và quyết liệt hơn mới có thể hạn chế được tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể ở vùng cao Tây Bắc. Vậy những giải pháp đó như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.
Theo VOV