Chung tay đẩy lùi bệnh Lao
Điện Biên TV - Với mục tiêu “Vì Việt Nam không còn bệnh lao” và “ Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh Lao" là thông điệp hưởng ứng ngày chống Lao thế giới 24/03/2017
Hàng năm trên thế giới vẫn còn trên 16.000 người chết vì Lao, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân Lao cao nhất trên thế giới, và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Tuyên truyền ngày Phòng chống Lao 24/03 tại Điện Biên |
Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc Lao mới, trong đó có 7000 người mắc Lao đồng nhiễm HIV, hơn 5000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, đáng lo ngại là có gần 6% là Lao siêu kháng thuốc. Số người mắc Lao phổi chiếm hơn 1/2. Tuy nhiên, theo báo cáo WHO năm 2016, chỉ có 79% số người mắc được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý. 21% còn lại vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây.
Bệnh Lao tồn tại hàng nghìn năm và vi khuẩn lao đã được biết đến 134 năm. Thế nhưng, căn bệnh này vẫn chưa được khống chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết phải kể đến người nhiễm Lao mắc thêm bệnh nhiễm trùng cơ hội, điển hình là HIV làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, vi khuẩn lao nhân cơ hội này bùng phát, diễn biến nặng nề hơn, đặt ra nhiều vấn đề trong chẩn đoán, điều trị.
Tại Điện Biên, theo kết quả điểu tra 2010-2011 cho thấy tỉ lệ mắc lao đang ở mức báo động và cao hơn nhiều so với số ước tính, tỷ lệ hiện mắc lao phổi AFB(+) trong người lớn từ 15 tuổi trở lên là 195/100.000 dân và tỷ lệ hiện mắc lao phổi AFB (+) trong dân số ở các lứa tuổi là 117/100.000 dân. Với tỉ lệ này, tại Điện biên sẽ có khoảng 590 bệnh nhân lao phổi dương tính/năm.
Chương trình Chống lao đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đó là việc quản lý bệnh lao ở người nhiễm HIV, bệnh lao kháng đa thuốc, bệnh lao ở trẻ em, và thách thức đặc biệt trong thời gian tới là thiếu hụt nguồn lực. Bên cạnh đó hiểu biết của người dân về bệnh Lao và cách phòng chống Lao còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân Lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh; đa số bệnh nhân Lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.
Để công tác phòng chống lao tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự hợp tác chặt chẽ của các ban, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể người dân trong cộng đồng. Đó là sự chia sẻ trách nhiệm đầu tư nguồn lực của từng địa phương để bù đắp sự thiếu hụt kinh phí trong kế hoạch phòng chống lao. Mặt khác, Chương trình chống lao phải tiếp tục kiện toàn mạng lưới, cán bộ chống lao phải được đào tạo có chất lượng, mọi hoạt động của chương trình phải được tuân thủ đúng nguyên tắc, nguồn lực được đầu tư và phân bổ hợp lý hơn, tránh lãng phí, cán bộ chống lao phải làm việc có trách nhiệm hơn ở các tuyến.
Lãnh đạo Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Điện Biên thăm và tặng quà gia đình bệnh nhân khó khăn khi điều trị |
Điện Biên là một tỉnh có tỷ lệ mắc lao đang ở mức cao, công tác phòng chống lao còn nhiều khó khăn và thách thức, tỷ lệ phát hiện thấp, tỷ lệ nguồn lây còn tồn lớn trong cộng đồng. Để cùng với cả nước đạt được các mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030, cần phải có những cam kết mạnh mẽ và sự đồng tán trợ của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, tiếp tục ư¬u tiên đầu tư ở mức độ cao cho Chương trình chống lao mới có thể đẩy lùi được bệnh lao tại địa phương.
Với các thông điệp Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh Lao tốt hơn; Hãy chung tay vì một Việt Nam không còn bệnh lao; Chữa khỏi bệnh Lao là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của người bệnh, không để lây lan cho cộng đồng; Bệnh Lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách....Mắc Lao không có tội, giấu bệnh – không tuân thủ điều trị - kỳ thị xa lánh người bệnh Lao mới là có tội..
Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao năm 2017, với mục tiêu “Vì Việt Nam không còn bệnh lao” và “ Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh Lao". Chúng ta mỗi người cần nâng cao trách nhiệm, hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả những thông điệp của chương trình chống Lao quốc gia./.
CTV - Bác sĩ CKII Đỗ Quang Hải
Giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Điện Biên