Cách đơn giản để phân biệt được rượu thật và rượu methanol

Thứ Sáu, 24/03/2017, 14:57 [GMT+7]

Có thể cho rượu vào ngăn đá tủ lạnh. Nếu rượu thật sẽ không đông, rượu methanol sẽ bị đông lại.
 
Số ca ngộ độc rượu, tử vong do uống phải rượu pha cồn công nghiệp tăng nhanh thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn mua bán, sử dụng rượu tràn lan trên thị trường hiện nay.

PGS.TS Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng – Trường Đại học Y Hà Nội khuyến cáo các thực khách một số mẹo nhỏ giúp nhận diện rượu pha cồn công nghiệp với rượu gạo, không lẫn tạp chất.
 

1
Những bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) được cấp cứu tại bệnh viện


Methanol trong đồ uống được cho phép ở ngưỡng tối đa có thể, nhưng xét về mặt an toàn thì không nên có. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rượu lẫn methanol do người nấu cho cồn công nghiệp vào rượu; đối với rượu nấu, trong quá trình chưng cất đã không đảm bảo nhiệt độ chuẩn cũng có thể sinh ra methanol.

Quá trình methanol gây độc cho người uống như thế nào? PGS.TS Lê Thị Hương cho biết: Khi methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó thành axit fomic - rất độc với gan và thận. Thực sự rất khó để phân biệt rượu pha cồn và rượu “xịn”. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm, PGS.TS Lê Thị Hương khuyến cáo một số cách để phân biệt, mặc dù hoàn toàn là cảm quan:

Thứ nhất, lật ngửa chai rượu lên, nếu rượu thật các bọt sẽ rất nhỏ rất mịn, đều và di chuyển chậm, lan tỏa ra các hướng khác nhau rồi mới cụm vào và nổi dần lên. Còn đối với rượu pha methanol thì bọt rượu rất to và đi lên theo hướng thẳng và lên rất nhanh.

Thứ 2, có thể đổ rượu ra lòng bàn tay và xát 2 tay vào nhau cho nóng lên. Nếu rượu thật sẽ bốc hơi rất nhanh.

Thứ 3, có thể cho rượu vào ngăn đá tủ lạnh. Nếu rượu thật sẽ không đông. Nếu rượu pha methanol sẽ bị đông lại.

Sau khi uống phải rượu chứa methanol, triệu chứng ngộ độc ban đầu giống như ngộ độc rượu thông thường. Sau đó từ 18 – 24 tiếng sau, có thể  lâu hơn, sẽ có biểu hiện như thở nhanh, thở sâu; về thần kinh, lúc đầu có thể tỉnh táo, sau đó đau đầu, chóng mặt, quên hoặc có cảm giác bồn chồn, hưng phấn, lẫn lộn và hôn mê, co giật.

Các triệu chứng ở mắt thì sau 12 – 24 giờ có dấu hiệu nhìn mờ, nhìn đôi, có mây che trước mắt hoặc rất sợ ánh sáng, cảm giác như nhìn ở đường hầm. Về tim mạch, huyết áp sẽ tụt và có biểu hiện suy tim.

PGS.TS Lê Thị Hương cho biết thêm: “Khi nghi ngờ người bị ngộ độc methanol, chúng ta có thể gọi điện xin thêm thông tin từ Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (trang web: methanol.chongdoc.org) hoặc tại ĐH Y Hà Nội, chúng tôi có dự án phòng chống ngộ độc methanol qua đồ uống có cồn. Các bạn có thể liên hệ số điện thoại 844.35747241 số lẻ 101”.

PGS.TS Lê Thị Hương lưu ý: Chúng ta nên mua rượu uống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác bao bì có thông tin đầy đủ, cụ thể. Còn ham rẻ, mua rượu trôi nổi trên thị trường sẽ rất nguy hiểm./.

Từ sau Tết Nguyên Đán 2017, cả nước đã có 15 ca tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong đó có các ca ngộ độc tập thể như ở Phong Thổ, Lai Châu, các sinh viên ở Cầu Giấy, Hà Nội,...

Tất cả nạn nhân của những vụ ngộ độc này đều đã sử dụng rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có nồng độ methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí vượt đến hàng trăm lần, dẫn đến tử vong.

 

Theo VOV

 

.