Ngăn chặn cúm gia cầm A/H7N9 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc

Thứ Năm, 23/02/2017, 09:18 [GMT+7]

Các tỉnh biên giới phía Bắc đang khẩn trương triển khai các biện pháp, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa.

Những ngày gần đây, khắp các lối đi xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai được bố trí thêm nhiều màn hình, áp phích lớn hiển thị nội dung tuyên truyền về tác hại của cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc.

Mỗi hành khách khi nhập cảnh vào nội địa đều được phát tờ rơi tuyên truyền song ngữ và phải qua vị trí đo thân nhiệt để phát hiện, cách ly những trường hợp mắc cúm. Hệ thống phun rửa khử khuẩn cũng hoạt động thường xuyên trong suốt thời gian mở cửa khẩu.
 

1
Phát tờ rơi song ngữ tuyên truyền cho hành khách xuất nhập cảnh


Ông Trần Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi chủ động tăng cường giám sát các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để hành khách biết về triệu chứng cúm A/H7N9. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất cũng như con người để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra”.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai – ông Nông Tiến Cương cho biết, việc kiểm soát dịch cúm gia cầm A/H7N9 không chỉ được thực hiện nghiêm ngặt tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai mà đang được triển khai đồng loạt tại tất cả các cửa khẩu, lối mở và 26 xã, phường, thị trấn trên toàn tuyến biên giới của tỉnh nhằm tạo ra một phòng tuyến chặn dịch và công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu.

Ông Cương nói: “Hiện nay, Lào Cai đang tập trung trước hết vào công tác tuyên truyền cho đồng bào nhân dân các dân tộc, nhất là các địa phương biên giới để người dân nhận rõ nguy cơ, tác hại do cúm A/H7N9 gây ra đồng thuận chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, cảnh giác, không sử dụng, không tiếp xúc với gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc”.
 

1
Đo thân nhiệt đối với tất cả hành khách nhập cảnh vào cửa khẩu


Còn theo ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9, công tác kiểm tra, kiểm soát việc chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm ở địa phương đang được tiến hành chặt chẽ; tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2017 tại Lào Cai cũng được đẩy mạnh để hoàn thành sớm trước ngày 10/3.

Mới đây nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cũng vừa ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tăng cường đối đa công tác phòng chống cúm A/H7N9; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua các cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới vào nội địa. (An Kiên/VOV-Tây Bắc)

** Trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm A/H7N9 có độc lực cao đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, không chủ quan, lơ là, ngành, chức năng của các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Giang đang khẩn trương phòng chống dịch.

Thực hiện theo Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang chủ động thành lập các đoàn công tác, kiểm tra phòng chống dịch trên địa bàn.
 

cum_gia_cam2_evrr.jpg
TV và áp phích tuyên truyền về tác hại của cúm A/H7N9


Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: “Sở huy động toàn bộ hệ thống, nhân lực từ Sở đến các trạm khuyến nông, thú y cơ sở vào cuộc phòng chống dịch. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có công văn thông báo cho các huyện, thực hiện khẩn trương việc kiểm soát gia súc qua lại biên giới, gọi là chợ vùng giáp biên. Thứ hai là đảm bảo đủ số lượng vaccine khi dịch bệnh xảy ra phải thực hiện bao vây ngay. Thứ ba là giải quyết vấn đề khử trùng tiêu độc ở tất cả các cửa khẩu, có nguy cơ lây lan. Cấp ủy chính quyền địa phương từng huyện phải đưa việc này vào trọng tâm trong khoảng thời gian là tháng 2, tháng 3 này”.

Tỉnh Lạng Sơn có đường biên giới dài trên 230km, cùng với đó là hệ thống đường mòn, dân buôn bán đường tiểu ngạch chằng chịt nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh rất cao do việc vận chuyển gia súc, gia cầm diễn ra thường xuyên. Trao đổi với phóng viên VOV, ông Hoàng Ngọc Tuyên, quyền Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết, những ngày qua, đơn vị đã lên phương án phối hợp với các lực lượng hải quan, biên phòng thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9. Hiện nay, tại tất cả các cửa khẩu đều có lực lượng tuần tra, kiểm soát và trực 24/7.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Ngọc Tuyên, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn: “Ý thức của đồng bào khu vực biên giới còn hạn chế, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, Lạng Sơn có 231km đường biên, 30-40 điểm có thể thông thương với Trung Quốc nên giao thông thuận lợi, tuy nhiên lực lượng chức năng không thể đủ người để có thể kiểm soát tất cả các lối mòn nên còn gặp khó khăn”.

Hiện Trung Quốc đã có 109 trường hợp lây nhiễm cúm A/H7N9. Đây là bệnh cúm có độc lực rất cao, khả năng lây lan sang con người rất lớn. Vì vậy, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc  nghiêm cấm vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân để họ hiểu và nhận biết được mối nguy hiểm từ cúm A/H7N9./.

 

Theo VOV

.