Ăn tiết canh, 3 người mắc liên cầu lợn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán
Trong số 3 người mắc bệnh, có một bệnh nhân hơn 60 tuổi ở Nam Định, từng ăn tiết canh lợn trong ngày 30 tết.
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 3 bệnh nhân nam bị liên cầu lợn do ăn tiết canh có chứa vi khuẩn liên cầu.
Trong số 3 người mắc bệnh, có một bệnh nhân hơn 60 tuổi ở Nam Định, từng ăn tiết canh lợn trong ngày 30 tết. Hơn 2 ngày sau, bệnh nhân này bị sốt cao, tiêu chảy và phát ban xuất huyết hoại tử trên da. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Nam Định lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Hai trường hợp còn lại đều gần 40 tuổi ở Bắc Ninh và Ninh Bình, cũng ăn tiết canh lợn vào ngày cận Tết, sau đó sốt cao đau đầu, được chẩn đoán viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Hiện 2 bệnh nhân này đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tiết canh, các món tái, chạo từ lợn là nguyên nhân chính mắc bệnh liên cầu lợn (ảnh: Internet) |
Theo Bộ Y tế, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, với tỷ lệ tử vong cao.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, người từng mắc liên cầu lợn dù được chữa khỏi vẫn có thể bị nhiễm bệnh trở lại. Để phòng bệnh, người dân không được ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, thịt có xuất huyết hoặc phù nề. Bên cạnh đó, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng./.
Theo VOV