Khi Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát bất ngờ Bệnh viện K

Thứ Bảy, 10/12/2016, 23:38 [GMT+7]

Sau khi thị sát và nghe phản ánh những điều xảy ra ở viện K, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện K tập huấn lại cho bảo vệ, nhân viên y tế, bác sỹ.

“Vào viện K, ra Văn Điển” là câu cửa miệng của nhân gian khi nói đến sự khốc liệt trong cuộc chiến giành giật sự sống của những bệnh nhân chẳng may phải điều trị tại bệnh viện này.

Cơ quan tôi đối diện với bệnh viện nên hình ảnh bệnh nhân chen chúc, lếch thếch đến khám chữa bệnh vào mỗi sáng chẳng còn xa lạ. Con phố nhỏ chỉ có mấy chục bước chân nhưng lúc nào cũng đông đúc, ồn ã, náo nhiệt và tắc đường.

1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại Bệnh viện K Trung ương.


Bệnh nhân ở Hà Nội còn đỡ, bệnh nhân ở các tỉnh xa về, nhìn vẻ mặt là biết ngay. Tay xách, nách mang, ngơ ngác, thất thần, mệt mỏi. Ngơ ngác vì không biết nên bắt đầu từ đâu khi xung quanh là “cò mồi”, “xe ôm”, taxi bủa vây và hàng quán chào mời.

Thất thần khi bị “cò mồi” đuổi bám, chăn dắt. Thất thần khi nhận án tử từ kết quả xét nghiệm và thất kinh khi nghe thông báo số tiền phải chi trả cho điều trị quá lớn so với thu nhập của gia đình…

Mệt mỏi khi phải ngồi vật vờ trên vỉa hè, ghế đá để chờ đợi, thậm chí dù mang trên người đầy những dây rợ, nước truyền nhưng vẫn phải lang thang xuống phố cho đỡ oi bức, ngột ngạt…Không ít cảnh, con khóc thương mẹ, vợ thút thít thương chồng, bố mẹ ánh mắt đỏ hoe, lo âu khi trên tay là tờ kết quả vừa nhận được… lá xanh rụng trước lá vàng.

Ở ngoài là vậy, còn ở phía trong cổng bệnh viện thì sao? Mới chỉ hôm qua thôi, trong chuyến thị sát bất ngờ, người đứng đầu ngành Y tế đã được tận mắt chứng kiến và trực tiếp nghe nhiều bệnh nhân phản ánh.

Bệnh nặng nhưng 3 - 4 bệnh nhân/giường, chờ gần 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt được lấy máu xét nghiệm vì bị “chen ngang”, vì phải “nhường” cho những trường hợp “ưu tiên” khác. Một số bệnh nhân phản ánh tình trạng vòi vĩnh của nhân viên y tế ở Bệnh viện K Trung ương vẫn còn.

Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Bộ Y tế chứng kiến 4 bệnh nhân ung thư cả điều trị nội trú và ngoại trú phải chung một giường. Kết quả khảo sát ý kiến của bệnh nhân trước đó cho thấy, tại cơ sở 3 Bệnh viện K Trung ương, khoa Nhi và các khoa Nội 1, Nội 3 có tình trạng cả bác sỹ và hộ lý đều quát mắng bệnh nhân. Đặc biệt tại khoa Nội 1, bác sỹ khám xong không ra y lệnh, điều dưỡng phát hiện được thì lại bắt bệnh nhân đi hỏi bác sỹ, sau đó bệnh nhân bị bác sỹ mắng.

Tại khoa Nội 3, có thái độ phân biệt giữa bệnh nhân biếu tiền và không biếu tiền. Cũng tại cơ sở 3, điều kiện vật chất tốt nhất nhưng chỉ có gần 52% số ý kiến hài lòng về chất lượng dịch vụ y tế. Tỷ lệ này tại cơ sở 2 là gần 60% và cơ sở 1 là 87,5%.

Nhiều bệnh nhân vẫn phải “lót tay”, phải “gặp riêng” để được bác sỹ thăm khám kịp thời trong lúc đau đớn, để được y tá, điều dưỡng chỉ dẫn, giúp đỡ nhẹ nhàng, để được “ưu tiên” hơn… Có điều gì đó thật bất nhẫn.

Là người ai cũng có lúc ốm đau, bệnh tật cần thăm khám, điều trị nhưng chắc chắn khổ nhất là vào viện K. Bởi lẽ, khi đã vào đó tâm lý của đa số người bệnh chỉ còn hi vọng kéo dài sự sống, may mắn lắm mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Với họ thì quãng đời ngắn ngủi còn lại là cuộc chiến đấu sống còn, vật lộn với số mệnh. Vì vậy, những bệnh nhân ở viện K là những bệnh nhân có thể gọi là đặc biệt.

Họ không chỉ cần được đối xử tử tế mà còn rất cần được động viên, an ủi và nâng đỡ. Thế nhưng, bệnh viện đã làm gì cho họ? Hay chỉ để lại những bức xúc, những ấn tượng xấu và cả sự bi quan?

Để đến 9h sáng, phòng siêu âm vẫn chưa có bác sỹ đến làm việc, hai bàn lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bị quá tải mà không bố trí thêm để giải tỏa bệnh nhân, rồi nhân viên “vòi vĩnh” bệnh nhân mà không xử lý hay việc sắp xếp bệnh nhân điều trị ngoại trú nằm chung giường với bệnh nhân điều trị nội trú… thì chỉ có thể đánh giá là công tác tổ chức, quản lý, điều hành của lãnh đạo bệnh viện có vấn đề. Thậm chí, chưa làm tròn trách nhiệm với chức trách được giao, chưa có cái tâm với người bệnh chứ không thể đổ tại cho cơ sở vật chất thiếu thốn được.

Đó là còn chưa kể, 4 người nằm chung trên 1 chiếc giường khi thanh toán tiền giường liệu có tính giá tiền là 1 chiếc giường hay không? Hay lại nhân 4? Nếu vậy thì căn phòng nội trú chật chội, đông đúc khi hạch toán có khi cũng chẳng chịu thua giá thuê phòng khách sạn là mấy.

“Hãy đặt mình vào vị trí của người bệnh” như tư lệnh ngành Y tế gay gắt phải thốt lên để cảm thông, chia sẻ và để thấy được trách nhiệm cao cả của người hành nghề y đức.

Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước chúng ta không thể điều hành, đánh giá hiệu quả công việc bằng cách kêu gọi sự cảm thông, lòng trắc ẩn hay cách cư xử có văn hóa mà phải áp dụng các chế tài mạnh, cụ thể và quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Có người “cầu phong bì” ắt có người cung, đừng kêu gọi bệnh nhân thôi không hối lộ. Đừng xử lý cá nhân người bị bắt quả tang nhận phong bì. Chỉ thế thôi chưa đủ. Trước cơn lốc ung thư, số lượng bệnh nhân tăng vọt hiện nay thì mô hình xã hội hóa như Bệnh viện Ung bứu Việt Hưng (1 bệnh viện tư -PV) cũng là một mô hình cần nhân rộng nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện công.

Khi cung cân đối với cầu, khi công tác quản lý, điều hành khoa học, hợp lí và chịu sự giám sát nghiêm khắc, ngặt nghèo của cấp trên có lẽ khi đó bệnh nhân mới không thất thần khi nghe đến hai từ bệnh viện.

“Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại” nếu chỉ có lời thề Hippocrates thôi, sẽ không đủ để có một ngành y xứng đáng./.

 

Theo VOV

.