Báo động bệnh tâm thần đang gia tăng trong giới trí thức

Thứ Tư, 07/12/2016, 10:40 [GMT+7]

Xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống và công việc ngày càng nhiều khiến giới trí thức mắc bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng.
 
Theo một khảo sát quy mô quốc gia, tại Việt Nam có tới 15% dân số mắc bệnh tâm thần thường gặp, trong đó có tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lo âu… Đặc biệt, người trong giới trí thức mắc bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng.

Tiến sĩ, giáo viên cũng bị tâm thần

Nguyễn Thị Ph. bị mắc bệnh tâm thần phân liệt khi cô đang theo học năm cuối một trường y. Ph. đang được điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng. Ph. cho biết, khi học phổ thông cô luôn là học sinh giỏi. Khi học trường y, cô đi thực tập và trực ở nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, sau đó Ph. mắc chứng mất ngủ kéo dài, đau đầu và cô bắt đầu chuỗi ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm.

“Em cảm thấy có ai đó đang đuổi theo và giết mình, nhiều lúc tưởng chết. Em được đi điều trị nhiều nơi, sau đó vào Trung tâm này. Hiện sức khỏe ổn định, muốn quay về đi học, lấy chồng nhưng em sợ khi bệnh tái phát, không kiểm soát được hành vi của mình. Có người nói do em học nhiều quá nên bị điên. Bây giờ, khi xuất hiện triệu chứng đau đầu, em phải uống thuốc ngay” – Ph. chia sẻ.
 

Anh Trần Quốc Bình đang được điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng


Cũng tại Trung tâm này, anh Trần Quốc Bình, 55 tuổi, là giảng viên Toán của một trường ĐH tại TP HCM đang được điều trị. Anh Bình là người rất giỏi Toán, tham gia nhiều công tác xã hội. Tuy nhiên, sau một cú sốc lớn trong công việc, anh Bình bị trầm cảm nặng, nhiều lần tìm đến cái chết nhưng được can ngăn kịp thời.

Trên đây là 2 trong số rất nhiều người có học thức bị mắc bệnh tâm thần đang được điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng. Được biết mỗi năm, Trung tâm cấp cứu khoảng 15 trường hợp hoang tưởng tự sát.  

Thống kê của Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cho thấy, số lượng bệnh nhân bị trầm cảm đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, nhất là trong giới trí thức và người trẻ tuổi. Nhiều người do không được điều trị kịp thời nên bệnh diễn tiến xấu, trở thành tâm thần phân liệt, thậm chí có người đã tự tử.

Ông Phạm Công Thành, Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì cũng thừa nhận: “Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng tỷ lệ người tâm thần thuộc đối tượng trí thức đang gia tăng. Trung tâm của chúng tôi đang điều trị cho nhiều tiến sĩ, giáo viên, kỹ sư bị tâm thần”.

Trí thức bị tâm thần gia tăng: Tránh thế nào?

Theo các chuyên gia, bệnh tâm thần không loại trừ một ai. Tuy nhiên, đối tượng là trí thức mắc bệnh ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân là do xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống và công việc ngày càng nhiều, trong khi giới trí thức rất nhạy cảm và nhiều người không thể thích nghi được.

Ông Phạm Công Thành cho rằng: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người mắc bệnh tâm thần tăng nhanh đó là áp lực cuộc sống, học tập... Xã hội càng phát triển, nhiều người có thể thích nghi được, song cũng không ít người không thể vượt qua, bị mặc cảm, tự ti, bế tắc, dẫn đến trầm cảm. Nếu không được can thiệp kịp thời rất dễ bị tâm thần phân liệt”.
 

1
Tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam hiện nay khoảng 15% dân số


Trong khi đó, nhiều bệnh nhân và gia đình không thừa nhận bản thân và người thân bị tâm thần. BS chuyên khoa 1 tâm thần Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công Hải Dương thừa nhận: Người bị rối nhiễu tâm trí, người tâm thần ở cộng đồng rất nhiều, nhưng bị gia đình giấu bệnh do sự kỳ thị từ xã hội.

BS Minh Hương cho biết: “Nếu như những bệnh khác, khi xuất hiện triệu chứng, gia đình đã đưa đi chữa bệnh, nhưng đối với bệnh tâm thần thì ngược lại. Nhiều gia đình không muốn công khai có người thân bị bệnh. Nguyên nhân do sự kỳ thị và họ lo sợ trong gia đình, dòng họ có người trẻ tuổi bị tâm thần sẽ khó xây dựng gia đình. Những gia đình này thường đi cúng bái, hay kín đáo đi chữa mà không đưa đến bệnh viện chuyên khoa, cho nên bệnh ngày càng trầm trọng thêm”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng gia tăng rất đáng lo ngại cho xã hội. Nhiều người có thể gây nguy hiểm cho bản thân họ và người xung quanh. Người hoang tưởng có thể hủy hoại bản thân, có hành vi không bình thường. Biểu hiện rõ nhất là buồn rầu, không muốn giao tiếp; nặng hơn là chặt tay chân, thậm chí tìm mọi cách để tự sát.

Khi phát hiện ra những biểu hiện trên của người thân, gia đình cần tư vấn cho người bệnh bố trí công việc hợp lý, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giảm áp lực. Bệnh nhân nên gặp những nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhất là những người làm nghề công tác xã hội để được tham vấn, trợ giúp.

Theo ông Phạm Công Thành, để ngăn ngừa được tình trạng này, gia đình phải nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc, cách quản lý người bệnh; nhận biết được những biểu hiện khi người bệnh có biểu hiện bị rối nhiễu tâm trí, hoặc hành vi khác thường để có hướng xử lý để có hướng xử lý phù hợp./.

Kết quả nghiên cứu hơn 100.000 người dân ở 8 vùng sinh thái của cả nước cho thấy, những bệnh tâm thần thường gặp là: tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn thần sau chấn thương sọ não, chậm phát triển, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu, ma túy.

Tỷ lệ người bị stress và bị các rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng, nhất là ở nhóm người lao động trí thức. Nguyên nhân do xã hội hiện đại khiến nhóm trí thức có nhiều áp lực hơn trong công việc và đời sống.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam hiện nay khoảng 15% dân số (tương đương 13 triệu người).

 

Theo VOV

.