Ngăn chặn nguy cơ trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Nếu không điều chỉnh kịp thời, quỹ bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối vào năm 2018.
"Cả nước hiện có hơn 80% người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ này sẽ tăng lên 90% vào năm 2020". Đây là thông tin được đưa ra sáng nay (11/11) tại hội thảo “Bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”, do Ban Kinh tế Trung ương và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ở thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tình trạng trục lợi và lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế ngày càng cao gây thâm hụt ngân sách.
Năm 2016, ngành bảo hiểm y tế ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với hơn 2.000 cơ sở y tế, trong đó hơn 1.600 cơ sở công lập.
Trong 9 tháng của năm 2016, số lượt tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng hơn 67 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái; 38 địa phương đã bội chi quỹ bảo hiểm y tế với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Nếu không điều chỉnh kịp thời, quỹ bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối vào năm 2018.
Các đại biểu dự hội thảo đưa ra nhiều giải pháp để phát triển bền vững bảo hiểm y tế như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý.
Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoàn thành việc lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và vận hành tốt hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu thực trạng: “Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, còn có biểu hiện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế cho cơ quan bảo hiểm xã hội và ngành y tế.
Hiện có trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Một số tỉnh có trên 20% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế”./.
Theo VOV