Có những người đi khám bệnh Bảo hiểm y tế tới 27 lần/tháng

Thứ Năm, 18/08/2016, 07:30 [GMT+7]

Theo BHXH Việt Nam: chỉ 6 tháng đầu năm, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ cho BHYT. Dấu hiệu tăng này có phần bất thường.
 
Gia tăng tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT  

Theo BHXH Việt Nam: chỉ 6 tháng đầu năm, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ cho BHYT. Dấu hiệu tăng này có phần bất thường. Lý giải nguyên nhân bội chi do chi phí bình quân của các nhóm đối tượng tăng, cứ phát triển thêm đối tượng mới thì sẽ tăng chi phí.

Thứ 2, do điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã chuẩn bị 16.000 tỷ để bù đắp chi phí. Thứ 3 là do thông tuyến huyện tăng 48% số lượt KCB, do lạm dụng thuốc, làm dụng xét nghiệm, có những người đi khám tới 27 lần/tháng. Dự báo từ nay đến hết năm, số tỉnh thành phố bội chi BHYT sẽ còn tăng trung bình hàng trăm tỷ đồng mỗi địa phương.                                 

1
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

 

Tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT chiều 17/8, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: tình trạng trục lợi quỹ BHYT gia tăng dưới nhiều hình thức khác nhau như tặng quà khuyến mại, tặng tiền vé xe ô tô đưa đón đến khám, chữa bệnh, chỉ định tăng số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang nhất là các dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn, những loại thuốc đắt tiền... để thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh...,

Việc quản lý, kiểm tra, giám sát chi phí khám, chữa bệnh BHYT của cơ quan BHXH cũng gặp khó khăn, do phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH chưa hoàn thiện nên việc phát hiện và ngăn ngừa tình trạng người bệnh đến khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong ngày để lấy thuốc hoặc tình trạng chỉ định xét nghiệm, chụp X quang, cấp thuốc trùng nhau của các đợt khám, chữa bệnh chưa kịp thời.

“Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đang diễn ra ở nhiều nơi, mức khác nhau và ngày càng tinh vi, một số cơ sở khám, chữa bệnh đã lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, trong đó có việc lợi dụng chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT và những chính sách khác trong khám, chữa bệnh hoặc việc cơ quan BHXH hiện nay còn thiếu nhân lực, thiếu phương tiện hữu hiệu kiểm tra, giám sát để lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn: Do được tự do lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện để đến khám, chữa bệnh mà không phải đến nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu vẫn được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như đúng tuyến. Vì vậy có tình trạng một số người bệnh đã đến nhiều cơ sở y tế để khám bệnh, lấy thuốc, dẫn đến số lượt khám và chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng cao.

Ông Sơn nêu một ví dụ rất cụ thể là có trường hợp, có người trong tháng 7 đã khám bệnh đến 27 lần. Một số người bệnh đã đến các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện được những dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn (như chụp CT-Scanner, chụp cộng hưởng từ...) đề nghị được sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó. Bên cạnh đó, một số người bệnh cho dù không mắc bệnh, khi biết cơ sở khám, chữa bệnh có các hình thức khuyến mại cũng đến khám, chữa bệnh mang tính chất vừa kiểm tra sức khỏe vừa nhận quà khuyến mại.

Vì vậy, theo ông Sơn, các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT của số thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại đó, vì vậy nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã quản lý chặt chẽ việc chuyển người bệnh lên tuyến trên (trừ trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn) đối với người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh tại đó và thường dễ dãi trong việc chuyển tuyến đối với người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh khác.

Do đó, nhiều người bệnh đã đến cơ sở khám, chữa bệnh không phải nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển tuyến lên tuyến trên để khám, chữa bệnh. Dẫn đến số lượt và chi phí khám, chữa bệnh BHYT của đối tượng đến khám, chữa bệnh đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên tăng cao, trong khi đó số lượt và chi phí khám, chữa bệnh BHYT của đối tượng đến khám, chữa bệnh không đúng tuyến giảm đi.

Trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT từ phía cơ sở khám

Ông Sơn nhấn mạnh: Hiện nay, có rất nhiều biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT xảy ra tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc với nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn như: Chỉ định sử dụng quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh nhiều thuốc đắt tiền, nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh (như chụp CT-Scanner, MRI...) cho người bệnh có thẻ BHYT đăng ký tại cơ sở khám, chữa bệnh khác do không bị áp lực quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT của đối tượng này nhằm thu hút người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh nơi khác đến khám, chữa bệnh tại đó để thu được nhiều lợi nhuận.

“Các Bệnh viện tư nhân năm 2015 đang xếp tương đương bệnh viện hạng II (xếp tuyến tỉnh) đến năm 2016 đề nghị được xuống tương đương hạng III (xếp tuyến huyện) để được khám, chữa bệnh thông tuyến cho dù không có thay đổi về cơ sở vật chất, nhân lực, danh mục dịch vụ kỹ thuật cũng như khả năng cung cấp dịch vụ y tế của bệnh viện, nhằm thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh BHYT không cần giấy chuyển tuyến. Sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý”.../.

 

Theo VOV
 

.