Bộ trưởng Y tế yêu cầu chấn chỉnh các dịch vụ thuê, khoán ở bệnh viện

Thứ Tư, 13/07/2016, 08:58 [GMT+7]

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có có công văn yêu cầu chấn chỉnh các dịch vụ thuê, khoán tại các cơ sở y tế.
 
Công văn được gửi đến Thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng y tế các bộ, ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, thời gian qua, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp các dịch vụ như bảo vệ, trông giữ xe, vận chuyển người bệnh cấp cứu, căng tin, xử lý chất thải rắn y tế, bảo quản tử thi, dịch vụ tang lễ. Hoạt động này đang có những tồn tại, bất cập gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy thuốc.

1
Bộ trưởng Y tế yêu cầu chấn chỉnh lại các dịch vụ do cá nhân, tổ chức bên ngoài cung cấp. Ảnh: Tiền Phong.

 

Nhằm chấn chỉnh kịp thời những hoạt động nêu trên, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo nhanh số liệu về các dịch vụ thuê, khoán và rà soát các hợp đồng đã ký kết về cung cấp dịch vụ để có biện pháp ngăn ngừa phòng tránh sai phạm, xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt các hợp đồng nếu xảy ra vi phạm hoặc có hành vi ứng xử không tốt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và chất lượng khám, chữa bệnh.

Tổ chức đấu thầu rộng rãi, khách quan, minh bạch các dịch vụ thuê, khoán do tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp, lựa chọn những cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý, được tập thể chấp nhận. Công khai, niêm yết giá loại dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung ứng để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết và tự do lựa chọn.

Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động trên nguyên tắc công khai, minh bạch đối với các dịch vụ, nhất là với dịch vụ vận chuyển người bệnh, tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi ép buộc người bệnh phải sử dụng dịch vụ do bệnh viện ký kết với các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài.

Các đơn vị cũng cần tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho nhân viên đang thực hiện dịch vụ thuê, khoán. Đồng thời phân công đầu mối chịu trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra các hoạt động dịch vụ thuê, khoán; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Bộ Y tế nếu để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh./.

 

Theo VOV

.