Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Điện Biên Đông

Thứ Sáu, 06/11/2015, 08:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định thực hiện hiệu quả chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là giải pháp quan trọng giúp huyện Điện Biên Đông thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân cũng như cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Song hiện nay, công tác DS - KHHGĐ của huyện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ sinh cao, tình trạng sinh con thứ ba trở lên còn phổ biến, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động.

Ông Vàng A Lồng, Phó Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Điện Biên Đông cho biết: Tỷ số giới tính khi sinh của huyện năm 2013 vẫn ở mức bình quân chung của tỉnh là 108 bé trai/100 bé gái nhưng đến nay đã tăng thành 112 bé trai/100 bé gái. Tính đến hết tháng 9/2015, trên địa bàn huyện có tổng số 1.432 trẻ được sinh ra; trong đó, số trẻ sơ sinh nam/nữ là 755/677. Đáng chú ý, nhiều xã có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh rất cao như: Sa Dung (169 bé trai/100 bé gái), thị trấn Điện Biên Đông (147 bé trai/100 bé gái), Pu Nhi (145 bé trai/100 bé gái)… Lí giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới khi sinh ở huyện, ông Lồng chia sẻ: Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của phong tục tập quán thích sinh nhiều con của một số đồng bào dân tộc trên địa bàn. Thêm vào đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, mong có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên; làm trụ cột lao động trong gia đình và chỗ dựa lúc tuổi già khiến nhiều cặp vợ chồng cố sinh bằng được con trai. Đây là lý do khiến tình trạng sinh con thứ ba trở lên của huyện tiếp tục tăng cao từ 22,8% vào năm 2014 lên thành 25% như thời điểm hiện nay. Mặt khác, nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp các cặp vợ chồng dễ dàng nhận biết và lựa chọn giới tính thai từ rất sớm. Điều này, dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính gây ảnh hưởng lớn tới cấu trúc dân số và sự phát triển của gia đình, xã hội.

x
Cán bộ dân số xã Pú Hồng tuyên truyền chính sách DS – KHHGĐ cho người dân trong xã.

 

Trước tình trạng trên, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Điện Biên Đông đã tích cực triển khai nhiều biện pháp như: Chỉ đạo cán bộ dân số 14 xã, thị trấn và 243 cộng tác viên dân số thường xuyên xuống các thôn, bản tuyên truyền nâng cao kiến thức về dân số, bình đẳng giới cho người dân; tăng cường tuyên truyền các chính sách về dân số thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã; qua pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn chính sách dân số, quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho cán bộ và người dân các xã. Cùng với đó, Trung tâm tổ chức các đợt chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nhằm tư vấn và nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, cấp phát các biện pháp tránh thai cho phụ nữ… Tuy nhiên, do địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn trong khi kinh phí hoạt động hạn chế; một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quam tâm đên công tác dân số nên hiệu quả tuyên truyền mang lại chưa cao.

Để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian tới, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục thay đổi hành vi dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp… Cùng với đó, Trung tâm tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện lồng ghép tuyên truyền hiệu quả chính sách về dân số; tích cực triển khai mô hình giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Đồng thời, duy trì chiến dịch đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là các xã có tỷ lệ sinh cao. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chính sách DS – KHHGĐ; hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như tình trạng sinh con thứ ba để nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Đức Linh
 

.