BHYT học sinh, sinh viên: Ai tin tăng tiền sẽ tăng chất lượng?

Thứ Sáu, 18/09/2015, 16:05 [GMT+7]

Tăng tiền đóng bảo hiểm y tế nhưng lại không có nhiều cải thiện về dịch vụ khiến dân không tin tăng tiền sẽ tăng chất lượng dịch vụ.

Học sinh, sinh viên chỉ là một trong số rất nhiều đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Vậy tại sao, ngay khi nhận được thông tin sẽ tăng tiền đóng BHYT học sinh, sinh viên, nhiều phụ huynh lại phản ứng dữ dội như vậy? Trong số những người phản ứng, có không ít người không phải vì gia đình họ khó khăn về kinh tế mà vì họ quá hiểu khi bỏ tiền ra mua BHYT cho con mình thì sẽ như thế nào. Bởi chính họ, dù là công nhân, kỹ sư, tiến sĩ, cán bộ, công chức, viên chức… khi cầm BHYT trên tay nhiều khi cũng không muốn, không dám dùng. Lý do tại sao chắc chắn Bộ Y tế, BHXH Việt Nam thấu hiểu hơn cả.

c
Đóng - hưởng không tương xứng khiến nhiều người phản ứng khi tăng BHYT học sinh sinh viên.


Trong một phát ngôn mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề ghị: “Chúng ta phải chấp nhận đóng cao một chút để hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn” và lãnh đạo BHXH dẫn chứng “Chẳng hạn như ở Australia phải đóng 2.000 USD/1 năm… mà không ai kêu ca gì”.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi ở nước Úc các phúc lợi xã hội đối với dân bản địa và nhập cư, ngụ cư đều rất tốt. Họ đóng – hưởng rất công bằng không có sự phân biệt đối xử.

Còn ở Việt Nam thì sao? Nhiều gia đình không tiếc tiền, bỏ ra hàng chục triệu đồng mua BHYT ở những bệnh viện cao cấp, bệnh viện tư nhân. Bù lại, họ được hưởng các chế độ bảo hiểm, được đối đãi như VIP. Thử hỏi, nếu BHXH cũng chia các mức đóng BHYT để các gia đình lựa chọn và cũng đối xử tỷ lệ thuận với số tiền họ đóng thì có làm được không?

Tỷ lệ mua BHYT đạt độ bao phủ 71,4% dân số. Riêng với BHYT học sinh, sinh viên thì con số này cao hơn rất nhiều. Năm 2010 – 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HS-SV tham gia BHYT; năm 2012 – 2013 tỷ lệ này là khoảng 80%, năm học 2013 – 2014 là 85% và đến năm học 2014 – 2015 là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu HS-SV tham gia BHYT, trong đó có khoảng 12,3 triệu học sinh sinh viên tham gia tại trường.

Và cũng theo người đứng đầu cơ quan BHXH, “Nếu chúng ta không ủng hộ bao giờ mới có nền y tế Việt Nam tốt lên được?”. Xem ra, các cơ quan quản lý và thực thi mới nhìn một hướng chứ chưa đặt mình vào vị trí của người mua BHYT. Họ cứ viện dẫn theo luật mà chẳng nhìn thực tế. Luật thì có thay đổi mà thực tế có thay đổi đâu để người dân hưởng ứng.

Tại sao các bệnh viện tư nhân, cổ phần… họ thu hút được nhiều người tự nguyện mua BHYT giá cao, trong khi BHXH có trong tay “sức mạnh toàn dân” lại không làm được? Nếu ngành y tế, bảo hiểm Việt Nam không nhanh chóng cải thiện tình trạng hiện nay thì chuyện “chảy máu ngoại tệ” ra nước ngoài để khám, chữa bệnh sẽ ra tăng. Bởi theo thống kê thì mỗi năm người Việt chi hàng tỷ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh. Điều này là lãng phí vì chính ngành y tự hào rằng, bác sĩ Việt Nam có chuyên môn, tay nghề không kém gì bác sĩ khu vực và thế giới.

Cơ sở vật chất của ngành y tế có thể khó thay đổi hơn bởi đòi hỏi phải có tiềm lực kinh tế, trong khi nước ta còn nghèo. Thế nhưng thứ dễ thay đổi hơn cả là thái độ phục vụ của nhân viên y tế thì bao nhiêu năm qua “nói hoài vẫn vậy”. Nhiều y, bác sĩ tỏ ra không được dễ chịu với người có BHYT, khiến người bệnh luôn có tâm trạng lo sợ. Vào viện sợ bệnh của mình thì ít mà sợ bác sĩ thì nhiều. Chính điều này khiến người dân không có cảm tình với BHYT.

Ngoài ra, nhiều người còn kêu ca về chất lượng các loại thuốc trong danh mục được bảo hiểm. Đa phần thuốc được kê đơn là thuốc nội. Chúng ta kêu gọi người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam nhưng chất lượng thuốc trong nước sản xuất thì sao? Không phải không có lý do khi ai cũng thích thuốc ngoại, thuốc của Anh, Pháp, các nước phát triển. Họ không tin vào chất lượng nhiều loại thuốc sản xuất trong nước.

Qua các năm, số tiền đóng BHYT tăng dần nhưng sự “đền đáp” từ phía các cơ quan quản lý, sử dụng nguồn quỹ BHYT lại không tương xứng. Những người đứng đầu ngành y tế, BHXH liên tục đưa ra các cam kết cải thiện chất lượng, thái độ phục vụ của nhân viên nhưng thực tế lại không được cải thiện nhiều, không tạo được niềm tin của dân chúng. Nếu người dân có một niềm tin mãnh liệt rằng hôm nay bỏ ra một đồng để cộng đồng trách nhiệm với xã hội thì ngày mai, giả sử không may anh phải sử dụng đồng tiền ấy thì không có gì phải lo. Thế nhưng thực tế đã trả lời họ ra sao? Quá nhiều người phàn nàn về sự phân biệt của nhân viên y tế với bệnh nhân có BHYT và không có BHYT. Biết chắc rằng, tiền mình bỏ ra sẽ không nhận được sự chia sẻ xứng đáng thì ai muốn chi tiền?

Dù là bắt buộc hay tự nguyện thì chữ “tín” của nhà cung cấp dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu. Việc cứ phải dùng mệnh lệnh hành chính bắt buộc người dân phải đi theo một loại dịch vụ nào đó là thể hiện sự yếu kém của lĩnh vực đó. Hãy thể hiện để người dân thấy “ích nước, lợi nhà” khi mua BHYT thì chẳng cần ép họ sẽ ùn ùn đến mua./.

 

Theo VOV
 

.