Góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc bà mẹ trẻ em
Điện Biên TV - Chính thức triển khai trên địa bàn huyện Tuần Giáo từ tháng 6/2013, đến nay sau 2 năm thực hiện, Dự án “Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em” do tổ chức Jica của Nhật Bản tài trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của bà mẹ trẻ em trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho trẻ được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong và suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện.
Bà Tô Thị Nguyệt, Đội phó phụ trách đội bảo vệ bà mẹ trẻ em – kế hoạch hóa gia đình thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tuần Giáo cho biết: Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (TDSKBMTE) là cuốn sổ để theo dõi quá trình phát triển của trẻ từ lúc thai nhi đến 6 tuổi với nhiều thông tin cần thiết, bổ ích thay thế cho nhiều loại sổ sách, tránh lãng phí thời gian ghi chép, theo dõi của cán bộ y tế. Đồng thời cung cấp cho các bà mẹ kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho con và bản thân. Dự án được triển khai từ tháng 6/2013 trên tất cả các xã của huyện.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo hướng dẫn cách sử dụng, ghi chép sổ TDSKBMTE cho các bà mẹ mang thai và có con nhỏ. |
Để dự án mang lại hiệu quả, ngay sau khi được triển khai, Đội bảo vệ bà mẹ trẻ em – kế hoạch hóa gia đình (TTYT huyện) đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó chú trọng vào tập huấn đào tạo kiến thức về sổ TDSKBMTE như: Cách sử dụng sổ, ghi chép, theo dõi, quản lý thai phụ cho cán bộ y tế của huyện, xã và các thôn, bản để từ đó hướng dẫn trực tiếp cho các bà mẹ trẻ em. Cùng với đó, Đội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các bà mẹ mang thai về cách sử dụng, cũng như lợi ích của sổ TDSKBMTE. Thông qua nhiều biện pháp như: Tổ chức truyền thông tại các xã; lồng ghép vào các buổi tiêm chủng, họp dân; qua hệ thống đài phát thanh của huyện, xã; qua hệ thống băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi…
Bên cạnh đó, Đội thành lập 26 câu lạc bộ sức khỏe (bao gồm hơn 500 thành viên), 2 câu lạc bộ không có trẻ suy dinh dưỡng (gần 50 thành viên) nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cho trẻ của các bà mẹ.
Đối với bà mẹ là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, do bất đồng ngôn ngữ, cộng với điều kiện đi lại khó khăn, TTYT huyện chỉ đạo trạm y tế xã đẩy mạnh truyền thông qua hoạt động khám chữa bệnh, đồng thời chỉ đạo đội ngũ y tế thôn, bản (với 205 y tế viên thôn, bản và 10 cô đỡ thôn bản) trực tiếp xuống từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng sổ cho người dân. Ngoài ra, Đội bảo vệ bà mẹ trẻ em – kế hoạch hóa gia đình còn phối hợp Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Sở Y tế) thường xuyên xuống các xã, thôn, bản kiểm tra, giám sát việc thực thực hiện dự án trên địa bàn.
Nhờ đó sau 2 năm triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tính đến hết tháng 3/2015, dự án đã cấp phát 5.950 sổ cho bà mẹ mang thai và có con dưới 1 tuổi trên địa bàn. Qua đó, không chỉ giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở các tuyến nắm bắt được diễn biến quá trình thai nghén của bà mẹ, để từ đó có hướng xử trí, can thiệp kịp thời; hạn chế các tai biến sản khoa; theo dõi được quá trình phát triển của trẻ để tư vấn cho cha mẹ điều chỉnh cách chăm sóc, dạy dỗ. Đặc biệt còn giúp cho các bà mẹ nâng cao nhận thức, nhất là trong việc đi khám thai định kỳ; nuôi con bằng sữa mẹ; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; chế độ dinh dưỡng, làm việc khi mang thai cũng như cách xử trí một số bệnh thông thường…
Chị Lường Thị Thái, bản Sái, xã Quài Cang cho biết: Trước đây, khi sinh con đầu lòng vào năm 2011 do chưa có sổ TDSKBMTE nên chị không nhớ rõ thời điểm con mọc răng, biết đi, biết nói; cách chăm sóc, xử trí khi con bị sốt, bị ho, bị bỏng… Nhưng đến nay, khi mang thai cháu thứ hai, đã có sổ TDSKBMTE và được cán bộ y tế hướng dẫn cách sử dụng, chị có thể ghi chép lại nhiều thông tin về quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ; theo dõi lịch khám thai định kỳ; những thay đổi của cơ thể khi mang thai; cách xử trí khi gặp một số bệnh thông thường và nhiều thông tin hữu ích về bà mẹ trẻ em.
Đặc biệt, nhờ Dự án “Sổ TDSKBMTE”, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã giảm từ 35,8% vào năm 2013 xuống còn 33,5% như hiện nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng, chiều cao giảm lần lượt còn 19,8% và 33,6%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế tăng 14,6% và phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần/kỳ tăng từ 64,9% (năm 2013) lên thành 71,8% vào năm 2015. Đây là kết quả tích cực, góp phần tạo động lực để Đội bảo vệ bà mẹ trẻ em tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án “Sổ TDSKBMTE” trên địa bàn trong thời gian tới./.
Đức Linh