Đầu tư xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn: Chủ yếu là thiếu vốn

Thứ Năm, 02/07/2015, 11:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau gần 5 năm triển khai xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, toàn tỉnh mới có 30/130 xã, phường đạt chuẩn (chiếm 23,1%), có huyện mới chỉ có duy nhất 1 xã đạt tiêu chí. Khó nhất hiện nay là thực hiện tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, chính vì vậy mà thậm chí đến nay không ít xã vẫn chưa có trạm y tế.

Trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khoẻ gần dân nhất, không chỉ góp phần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân mà còn giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Minh chứng là từ năm 2011, thực hiện Quyết định 3447/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, ngành Y tế đã triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… đến hệ thống y tế cơ sở. Thế nhưng, theo khảo sát thực tế vẫn còn nhiều xã chưa có trạm y tế, hiện đang phải sử dụng nhờ xã bên cạnh hoặc đã xuống cấp trầm trọng. Theo báo cáo của Sở Y tế, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của ngành đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị còn hạn chế so với yêu cầu. Theo đó, cơ sở hạ tầng là tiêu chí khó khăn và cần kinh phí lớn nhất trong xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Quy định hỗ trợ ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, tối thiểu 40% tổng mức đầu tư/trạm y tế (khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh khó khăn nên hiện nay, chính sách hỗ trợ này được lồng ghép với nhiều nguồn tài trợ khác, song cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Bởi vậy, ở các xã khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa việc xây dựng trạm càng khó khăn gấp bội.

c
 Do thiếu phòng chức năng nên Phòng khám Đa khoa khu vực Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ luôn quá tải.

 

Theo kết quả điều tra, rà soát của ngành Y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 61 trạm y tế xã cần xây dựng mới. Nhiều xã do một số nguyên nhân mà đến nay vẫn chưa có trạm y tế như: xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé), xã Na Tông (huyện Điện Biên)… vẫn đang sử dụng chung với các xã bên cạnh. Còn nhớ trung tuần tháng 5 vừa qua, khi chúng tôi về xã Huổi Lếch để tìm hiểu những khó khăn trong xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế, ông Thào A Tủa, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch lý giải nguyên nhân chưa đầu tư xây dựng được trạm và dẫn chúng tôi ra đám đất quy hoạch mới dành cho trạm rồi khẳng định: Huổi Lếch tách ra từ Mường Toong năm 2012. Hiện nay, xã cũng đã quy hoạch địa điểm mới cho việc xây dựng trạm y tế với diện tích đảm bảo tiêu chí nhưng nhiều lần kiến nghị lên, kiến nghị xuống cũng chỉ nhận được câu trả lời: đang thiếu nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, mỗi khi người dân trên địa bàn xã Huổi Lếch khám, chữa bệnh đều phải đến Phòng khám Đa khoa khu vực Mường Toong, xã Mường Toong. Nhiều lần chúng tôi có kiến nghị lên cấp trên để xây dựng trạm nhưng đến nay vẫn còn đang “trên giấy”. Anh Giàng A Vư, bản Nậm Mì 1 chia sẻ, mỗi khi nhà nào có người bị ốm phải đưa đến Phòng khám Đa khoa khu vực Mường Toong điều trị, hôm trời nắng thì còn đi xe máy được, chứ trời mưa thì vất vả lắm, đường lầy lội, trơn trượt phải dùng cáng khênh, đi bộ nửa ngày mới đến nơi. Cùng chung cảnh, xã Na Tông (huyện Điện Biên) nơi có điều kiện hơn một số xã vùng sâu, xa nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng trạm y tế nguyên do mới tách xã nên chưa có lộ trình và kinh phí đầu tư xây dựng. Ông Vì Văn Biến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Tông cho biết: “Xã mới tách, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều. Song quan trọng nhất vẫn là cơ sở y tế chưa có, vì vậy mỗi khi có người ốm, sinh đẻ đều phải vào Trạm Y tế xã Mường Nhà, nhiều lúc khó khăn, vất vả lắm”.

Bên cạnh đó, một số trạm tuy đã được đầu tư nhưng mức độ còn hạn chế, đặc biệt là các trạm y tế thuộc khu vực khó khăn mà không có các dự án hỗ trợ; xây mới hoặc được xây theo mô hình cũ, diện tích và số phòng chức năng không đảm bảo theo quy định hoặc có đủ số phòng không đạt chuẩn. Theo tiêu chí thứ 3 của Bộ tiêu chí mới quy định về số phòng để đạt chuẩn thì trạm y tế ít nhất phải có 9 phòng chức năng trở lên. Nhưng hầu hết các trạm y tế tuyến xã đều không đạt chỉ tiêu, cơ bản, chỉ có 4 – 5 phòng chuyên môn, chức năng. Mặt khác, hầu hết các địa phương đều gặp khó trong việc quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng trạm y tế: theo quy định thì trạm y tế phải có mặt bằng từ 500m2 trở lên, diện tích xây dựng và sử dụng của khối nhà chính từ 250m2 trở lên. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay trong việc xây dựng trạm Y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia, thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, theo Quy định của Bộ tiêu chí, tất cả các trạm y tế đều có vị trí phù hợp, đủ diện tích đất sử dụng, đảm bảo 100% trạm y tế có điện lưới quốc gia và hệ thống Internet, nhưng số phòng chức năng còn thiếu và chật hẹp như: không có phòng xét nghiệm, kho dược… Một số trạm còn thiếu tường rào, sân bê tông, nhà công vụ, công trình vệ sinh bên ngoài, nhà để xe, nhà bếp… theo quy định.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế) cho biết: Hầu hết các tiêu chí của Bộ tiêu chí mới về xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã còn nhiều khó khăn nhất là những nơi điều kiện kinh tế còn thấp như Điện Biên. Trong đó, việc đầu tư xây dựng trạm y tế còn thiếu vốn, bởi ngoài ngân sách chi thường xuyên của ngành thì không có nguồn riêng cho việc thực hiện tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã nên để đạt tiêu chí xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cần có lộ trình, nguồn vốn. Chính vì vậy mà chỉ tiêu tỉnh giao thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 – 2015 là 35% nhưng chỉ thực hiện được 23,1%. Để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân để khắc phục khó khăn, nhất là xây dựng trạm y tế xã trong hợp phần xây dựng nông thôn mới tại các xã là việc cần phải làm ngay./.

 

Văn Tâm
 

.